05/02/2008 - 15:34

Ấm áp tình Xuân

Anh Dũng

Xuân này, gia đình bà Nguyễn Thị Chín, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ ngập tràn niềm vui khi con bà được đi làm, cháu bà được đi học, ông bà cũng làm được giấy kết hôn sau hơn 20 năm chung sống. Tất cả đều “khơi nguồn” từ chiếc sổ hộ khẩu do Công an huyện Cờ Đỏ làm giúp. Còn những người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ thì niềm vui được nhân đôi, bởi cung cách phục vụ ở đây đã tốt hơn nhiều. Việc bám sát cơ sở để giúp dân làm hộ khẩu thường trú; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ bệnh nhân của Công an huyện Cờ Đỏ và Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là nét son trong công tác cải cách hành chính của thành phố năm qua.

1. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến chuyện được Công an huyện Cờ Đỏ giúp đỡ làm sổ hộ khẩu thường trú, bà Nguyễn Thị Chín, 52 tuổi, vẫn còn xúc động đến nghẹn ngào: “Mừng, mừng quá các chú ơi...”. Vâng, không vui mừng sao được, khi sau bao nhiêu năm “sống chui” trên mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình, bây giờ gia đình bà mới được “ở hợp pháp”.

 Vợ chồng bà Chín vui mừng được Công an huyện Cờ Đỏ cấp sổ hộ khẩu. Ảnh: ANH DŨNG

Bà Chín sinh ra ở xã Trường Xuân. Năm 20 tuổi, bà lấy chồng, rồi theo chồng về sinh sống ở xã Trường Thành. 10 năm sau, chồng bà bị bệnh qua đời, để lại cho bà 3 đứa con thơ dại. Hai năm sau, được ông Nguyễn Văn Long ở xã Định Môn đem lòng yêu thương, bà quyết định đi thêm bước nữa. Cùng ông Long về xã Định Môn sinh sống, gia đình bà được người hàng xóm cho mượn miếng đất cất nhà. Năm 1992, khi chủ nhà đòi lại đất, bà cùng gia đình về quê cũ ở xã Trường Xuân sinh sống. Tại đây, bà được cha mẹ ruột cho miếng đất vườn khoảng 150m2, cất nhà ở cho tới nay.

Mấy chục năm trời, chuyển chỗ ở nhiều nơi, chẳng có một tờ giấy lận lưng, nhưng “chẳng có chuyện gì xảy ra”, bởi ông bà Chín quanh năm đi làm mướn, đánh bắt cá bán kiếm sống qua ngày. Rồi một hôm, đứa cháu ngoại đi học về bảo nhà trường đòi giấy khai sinh. Bà tất tả bơi xuồng ra xã làm khai sinh cho cháu. Cán bộ xã hỏi sổ hộ khẩu, bà mới ngớ ra: “Sổ hộ khẩu là cái gì?”. Rồi đứa con trai làm hồ sơ đi tìm việc làm cũng không được. Bà lại đến xã, cán bộ xã cố gắng lục tìm tên bà trong sổ hộ khẩu gốc của gia đình, nhưng tên bà đã bị “xóa” từ mấy chục năm trước, khi bà về quê chồng.

Cuối năm 2006, khi kiểm tra hộ khẩu thường trú định kỳ tại xã Trường Xuân, Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính – Trật tự xã hội, Công an huyện Cờ Đỏ, phát hiện trường hợp gia đình bà Chín có đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu, nhưng do bà không biết cách, không làm được, nên con cháu của bà gặp “bế tắc” trong đi làm, đi học. Thượng úy Nguyễn Trung Duy, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính – Trật tự xã hội, Công an huyện Cờ Đỏ, tâm sự: “Biết hoàn cảnh của bà Chín, tôi day dứt chẳng yên. Do đó, tôi quyết tâm giúp bà có hộ khẩu thường trú, để con cháu bà được đi làm, đi học...”.

Nói là làm. Ngay ngày hôm sau, Thượng úy Duy tranh thủ ngoài giờ hành chính, mang hồ sơ đến tận nhà hướng dẫn bà Chín khai thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú. Rồi anh hướng dẫn ông Long (chồng bà Chín) mang hồ sơ về xã Định Môn xác nhận quê quán. Nhưng ở Định Môn, cha mẹ ông Long đã mất từ lâu, người thân cũng không còn ai sinh sống ở đây nữa, nên công an địa phương không xác nhận. Biết ông Long gặp khó, tranh thủ thời gian rỗi, Duy cùng ông Long về tận ấp Định Mỹ, xã Định Môn, nhờ người dân cố cựu ở đây xác nhận. Còn bà Chín cũng phải nhờ hàng xóm láng giềng xung quanh xác nhận. Đi - về không biết mấy bận, cuối cùng thủ tục cũng hoàn tất. Bà Chín nộp hồ sơ vào bộ phận “một cửa” Công an huyện Cờ Đỏ. Chỉ một tuần sau, bà Chín được cấp sổ hộ khẩu thường trú.

... Chiều cuối năm, chúng tôi đến thăm nhà, bà Chín mở tủ lấy một bọc ni lon gói ghém cẩn thận, lấy cuốn sổ hộ khẩu ra khoe: “Nhờ chú Duy tận tình giúp đỡ, nên bây giờ mấy đứa con tui đã làm được giấy chứng minh nhân dân và hồ sơ xin việc để đi làm, cháu ngoại tôi cũng làm được giấy khai sinh để đi học. Vợ chồng già tui cũng đã làm giấy kết hôn sau hơn 20 năm chung sống. Mới đây, gia đình tui còn được chính quyền xét cấp nhà trong khu dân cư vượt lũ nữa đó!”. Nhiều niềm vui ùa đến với gia đình bà trong năm nay, mà tất cả đều bắt đầu từ chiếc sổ hộ khẩu. Rồi bà Chín hết lời cảm ơn anh Duy và mấy anh công an huyện. Anh Duy đỏ mặt đáp: “Có gì đâu thiếm. Đó là trách nhiệm của tụi con mà. Từ nay, đã được đăng ký hộ khẩu thường trú rồi, mong chú thiếm an tâm, chịu khó làm ăn để vươn lên thoát nghèo...”.

Không chỉ gia đình bà Chín, với cách làm xuống tận cơ sở kiểm tra, rà soát hộ khẩu và mang hồ sơ đến tận nhà hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, năm qua, Thượng úy Duy và các cán bộ, chiến sĩ trong Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính – Trật tự xã hội, Công an huyện Cờ Đỏ, đã giúp nhiều gia đình được đăng ký hộ khẩu thường trú. Đầu tháng 7-2007, khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, Duy đã tham mưu cho Ban lãnh đạo Công an huyện Cờ Đỏ cử cán bộ mang hồ sơ trực tiếp xuống tận ấp, vào tận nhà dân để hướng dẫn cho bà con ở xã Thới Hưng làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú. Qua 5 tháng ròng rã bám ấp, bám dân, các chiến sĩ trong Đội đã hướng dẫn cho 562 hộ dân ở đây làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, trong đó có gần 300 hộ đã được cấp sổ. Duy tâm sự: “Trong những lần đi kiểm tra hộ khẩu định kỳ ở cơ sở, thấu hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của bà con, chúng tôi nghĩ đến chuyện đến tận nơi giúp bà con đăng ký hộ khẩu thường trú. Đó là việc làm bình thường của người chiến sĩ công an nhân dân...”.

Vâng, đó là việc làm bình thường, nhưng nếu cán bộ, chiến sĩ công an nào cũng nghĩ và làm được những điều bình thường ấy thì sẽ có thêm nhiều gia đình cũng đón xuân với niềm vui năm mới, như gia đình bà Chín...

2. Mới đây, khi cùng người thân đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám bệnh cho đứa cháu, tôi thật sự bất ngờ về sự đổi thay trong cung cách phục vụ bệnh nhân của đội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện. Trước đây, bệnh nhân đến khám, các y bác sĩ viết phiếu hồ sơ bệnh nhân “bằng tay”, bác sĩ khám xong ra toa thuốc cũng “bằng tay”, rồi bệnh nhân phải tự cầm toa thuốc đến quầy thuốc, phải chờ nhân viên bán thuốc tính tiền, ghi ghi, chép chép... cũng “bằng tay”. Tất cả đều chậm chạp. Và điều đáng nói là nhiều toa thuốc “viết kiểu chữ bác sĩ”, như bà con thường nói, rất khó đọc, có người cầm toa thuốc về, chẳng biết uống thuốc như thế nào. Còn bây giờ, khi đến khám bệnh, bệnh nhân chỉ cần nộp phiếu khám tại phòng đón tiếp bệnh nhân, các thông tin (tên, tuổi, địa chỉ...) của bệnh nhân được nhập vào máy vi tính, chuyển lên mạng nội bộ sang phòng bác sĩ khám bệnh. Sau khi khám bệnh xong, toa thuốc được bác sĩ “đưa lên mạng”, bệnh nhân chỉ cần đến quầy thuốc nhận thuốc... Nhờ đó, dù bệnh nhân đến khám bệnh rất đông, nhưng tất cả đều được phục vụ nhanh chóng, nhịp nhàng, không bị ách tắc, bệnh nhân không phải chờ đợi lâu như trước đây. Gặp tôi tại quầy phát thuốc miễn phí và bảo hiểm, chị Huỳnh Thị Phương Dung, ở khu vực 7 phường An Thới (quận Bình Thủy), dẫn con trai của mình là Huỳnh Chí Minh đến khám bệnh, khen: “Trước đây, mỗi lần dẫn các cháu đến đây khám bệnh, phải đi lòng vòng đến từng khoa, phòng làm thủ tục hành chính, nhân viên viết phiếu vừa phiền hà vừa mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi. Bây giờ, đến khám bệnh tui được nhân viên nhập liệu vào máy vi tính, rồi hướng dẫn đến đúng địa chỉ khám và cấp thuốc nên thời gian chờ đợi chỉ mất khoảng 15 phút”.

Anh Võ Văn Quốc, cán bộ phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, giải thích về sự đổi mới này: “Để có được tiến bộ như hiện nay, Bệnh viện đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình khám chữa bệnh và công tác quản lý ở bệnh viện. Mà người có nhiều tâm huyết, khởi xướng chuyện này là Tiến sĩ, Giám đốc Bệnh viện Lê Hoàng Sơn...”.

Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn từng nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu điều trị bệnh nhi. Nhưng lần này lại là chuyện... công nghệ thông tin! Đề cập đến chuyện này, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn cho biết: Trước đây, làm thủ tục khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân tất cả đều phải ghi chép, tính toán bằng tay, vừa mất nhiều thời gian, vừa gây phiền hà, kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Công tác lưu trữ, quản lý, tra cứu hồ sơ bệnh án cũng gặp không ít khó khăn... Thế là, từ năm 2000, anh đã để tâm nghiên cứu, khắc phục. Trong những chuyến đi công tác và tham quan các nơi, anh không bỏ qua cơ hội tìm hiểu, học tập cách quản lý ở các bệnh viện bạn. Trong nhiều mô hình quản lý, anh tâm đắc nhất là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh và quản lý của bệnh viện.

Vài năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện ngày càng tăng, quy trình làm thủ tục khám bệnh cho bệnh nhân theo cách ghi chép và tính toán bằng tay đã trở nên lạc hậu, vừa gây áp lực công việc cho nhân viên, vừa ách tắc làm bệnh nhân phải chờ đợi, phiền hà. Trên cương vị Giám đốc Bệnh viện, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn lại trăn trở và quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong Bệnh viện để nâng cao chất lượng phục vụ, giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân. Anh bàn bạc trong Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo các khoa phòng chấn chỉnh lề lối, giờ giấc làm việc, niêm yết công khai quy trình, thủ tục khám chữa bệnh, đặt thùng thư góp ý, số điện thoại nóng... Đồng thời, quy định cán bộ, nhân viên khi tiếp xúc bệnh nhân và gia đình bệnh nhân phải tôn trọng, niềm nở, lịch sự, phục vụ tận tình chu đáo, không lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi sách nhiễu, gợi ý bồi dưỡng, nhận quà biếu, gây phiền hà cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân... Và, anh chọn mũi đột phá trong cải cách hành chính là “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ bệnh nhân”.

Các bác sĩ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám bệnh và kê toa trên máy vi tính cho bệnh nhân. Ảnh: ANH DŨNG 

Tuy vậy, không phải ý tưởng của anh được đồng tình ngay. Trong các cuộc họp Đảng ủy, Ban Giám đốc và các đoàn thể của Bệnh viện, khi anh đưa vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin ra tập thể để bàn bạc, có người hỏi: “Nếu ứng dụng công nghệ thông tin cần rất nhiều máy vi tính và các thiết bị, chúng ta lấy kinh phí ở đâu để mua?”. Anh trả lời: “Trước hết, chúng ta phải tiết kiệm các khoản chi, vận động các doanh nghiệp giúp đỡ và nếu thiếu chúng ta phải trình cấp trên xin vốn ngân sách...”. Lại có nhân viên hỏi: “Bác Sơn ơi, tụi cháu chưa biết gì về vi tính, bây giờ ứng dụng công nghệ thông tin tụi cháu không có thời gian để học vi tính...”. Anh trả lời: “Bệnh viện sẽ sắp xếp công việc và tạo điều kiện để mọi người có thời gian đi học...”. Qua nhiều cuộc họp và trực tiếp “đối thoại”, anh dần thuyết phục được hầu hết cán bộ, nhân viên đồng tình. Vậy là, từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã từng bước mua sắm máy vi tính, trang thiết bị, xây dựng các phần mềm và lần lượt ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý thuốc, quản lý trang thiết bị, quản lý tài chính, quy trình khám bệnh..., góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của bệnh viện và hiệu quả phục vụ bệnh nhân.

Chị Lê Thị Loan, ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, sau khi đưa con đến khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, nhận xét: “Trước đây, mỗi khi dẫn các cháu đến khám và trị bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng phải chờ lâu, khi hỏi việc gì đôi khi còn bị nhân viên cáu gắt. Bây giờ, đến khám bệnh vừa nhanh chóng, thái độ ứng xử của cán bộ, nhân viên cũng nhẹ nhàng, lịch sự hơn...”. Còn Nguyễn Thanh Huy, nhân viên Quầy phát thuốc bảo hiểm, khi trao đổi với tôi thì cứ tấm tắc khâm phục bác Sơn vừa giỏi chuyên môn, vừa nhanh nhạy trong công tác quản lý. Huy nói: “Khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, mỗi toa thuốc phát cho bệnh nhân tụi em phải ghi vào sổ, tính toán giá cả từng loại mất từ 7-10 phút. Bây giờ toa thuốc được đưa lên mạng, tụi em chỉ mất mấy giây truy cập vào mạng nội bộ, in toa thuốc ra là cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Trên toa thuốc ghi rõ ràng tên và giá từng loại thuốc, nếu bệnh nhân không muốn mua thuốc tại quầy thuốc của Bệnh viện, ra ngoài mua cũng không bị nhầm lẫn giá thuốc”.

Chiều cuối năm, tôi trở lại phòng làm việc của Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, gặp lúc anh đang tranh thủ thời gian ngoài giờ miệt mài xem lại tài liệu giới thiệu về “Hệ thống quản lý tổng thể thông tin bệnh viện”. Với chất giọng trầm, chậm rãi, anh tiết lộ: “Tôi đang nghiên cứu hiệu quả của một số phần mềm công nghệ thông tin vừa được Trung tâm Công nghệ Phần mềm, Trường Đại học Cần Thơ, bàn giao để tiếp tục ứng dụng trong lĩnh vực quản lý hồ sơ bệnh nhân, hội chẩn từ xa thông qua mạng nội bộ và Internet, sẽ thực hiện trong thời gian tới...”. Anh càng kể càng say sưa. Và tôi hiểu, đó là cái say của một người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân mà luôn trăn trở, suy tư...

*

**

Công tác cải cách hành chính ở thành phố năm qua chưa hẳn đã toàn mỹ, vẫn còn nơi này nơi khác gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thủ tục, giấy tờ, ít nhiều làm cản ngại sức thu hút đầu tư, phát triển thành phố... Song, những việc làm đầy tâm huyết của các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính – Trật tự xã hội Công an huyện Cờ Đỏ và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ xứng đáng là những bông hoa tươi thắm, góp phần điểm tô cho vườn hoa xuân thành phố ngày càng tươi đẹp hơn.

Chia sẻ bài viết