23/03/2023 - 02:08

80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng 

Ngày 22-3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học - nghệ thuật Việt Nam”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau cho biết, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa cũng như sức mạnh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, ngay từ năm 1930, trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa dân tộc và năm 1943 đã đề ra “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. Đây là văn kiện lịch sử mang tính cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng, nêu rõ phương hướng cùng những nguyên tắc thiết thực cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới; trong đó, khẳng định mặt trận văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), đồng thời thể hiện những quan điểm, tư tưởng của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ với 3 nguyên tắc cơ bản: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Ông Trịnh Thanh Vũ nhấn mạnh, theo dòng chảy của tiến trình lịch sử, từ mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, hình ảnh thầy giáo Phan Ngọc Hiển với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai thắng lợi mở đầu cho giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Cà Mau tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Hòa mình vào khí thế đó, văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền, động viên, thổi bùng tinh thần yêu nước.

Trong thời đại ngày nay, Đề cương về Văn hóa Việt Nam không những góp phần phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người mà còn khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận làm rõ giá trị lịch sử và hiện thực của bản đề cương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà. Trong đó, khẳng định sự đóng góp to lớn của lĩnh vực văn học nghệ thuật, các thế hệ văn nghệ sỹ nơi cực Nam Tổ quốc qua các thời kỳ. Các tham luận góp phần tái khẳng định giá trị lý luận, giá trị thực tiễn của bản đề cương trong việc đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; khẳng định văn học nghệ thuật là sự phát triển của toàn Đảng, toàn dân và tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cùng với vai trò nòng cốt của lực lượng văn nghệ sỹ trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như triển lãm tư liệu, hình ảnh và giới thiệu sách chuyên đề với 80 hình ảnh và hơn 200 đầu sách, báo, tài liệu về bối cảnh ra đời, quá trình vận động và phát triển của Đề cương. Qua đó, tuyên truyền, giới thiệu đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương, góp phần nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương, đất nước. Đồng thời, khơi dậy quyết tâm chính trị trong cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ quán triệt sâu sắc, toàn diện về tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Huỳnh Anh (TTXVN)

Chia sẻ bài viết