04/12/2012 - 20:33

Vùng Tứ giác Long Xuyên

20 năm hình thành và phát triển

Với lợi thế là vùng đồng bằng rộng lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, sau hơn hai mươi năm khai thác, phát triển, vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) vẫn chưa thể phát huy mạnh mẽ những lợi thế, tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Vấn đề đặt ra hiện nay cho vùng này không còn là làm sao khai thác hết những tiềm năng sẵn có mà là việc tạo sức bật thực sự. Có như vậy mới phát huy mạnh mẽ lợi thế so sánh từ điều kiện tự nhiên đến yếu tố xã hội, xây dựng vùng TGLX thực sự là điển hình của cả nước trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

* Lợi thế cạnh tranh

Vùng Tứ giác Long Xuyên 

TGLX thuộc ĐBSCL, được hình thành trên địa phận hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ, với khoảng 470 ngàn ha. Toàn vùng có nhiều lợi thế khi tiếp giáp vịnh Thái Lan, biên giới Việt Nam – Campuchia và dòng sông Hậu. Đây là vùng đất trũng, thấp với nguồn nước ngọt quanh năm. Song song đó, hệ thống kênh mương nội đồng khá chằng chịt với mật độ lên đến 400m/km2 là điều kiện hết sức thuận lợi để nông nghiệp phát triển. Theo TS Bùi Đạt Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn An Giang, với hệ thống sông và kênh rạch nêu trên, dưới tác động của dòng chảy sông Cửu Long và thủy triều biển Đông, Biển Tây đã tạo ra chế độ thủy văn phức tạp cho TGLX. Tuy nhiên, cũng chính do địa hình trũng, thấp đã giúp nguồn nước lũ sông Cửu Long hằng năm tràn vào tháo chua, rửa phèn cho đồng ruộng. Vùng TGLX nằm gọn trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm ĐBSCL, do đó việc ưu tiên những chính sách phát triển vùng nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, nông nghiệp… đã giúp cho vùng thực sự trở thành trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế ba tỉnh nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Chính yếu tố đó, từ những năm 1988, chính quyền các địa phương trong vùng đã đẩy mạnh việc di dân, khai thác tài nguyên đất, nước để phát triển nông nghiệp với ba sản phẩm chủ lực là cây lúa, cá và tôm. Ngoài ra còn có cây tràm bông vàng, rau màu và đánh bắt thủy sản. Đi đầu trong việc khai thác vùng là chính sách di dân cấp đất, hỗ trợ tài chính, chính sách của tỉnh An Giang giai đoạn 1988-1992 đã giúp khai hoang, phục hóa, chuyển hơn 10 ngàn ha đất lúa mùa sang lúa cao sản. Chính sách này, ngay năm đầu đã giúp nông dân vùng kinh tế mới TGLX trên địa bàn An Giang chạm mức một triệu tấn lúa/năm. Và từ năm 1995 đến đây, TGLX được biết đến là vùng trọng điểm lúa gạo lớn nhất vùng ĐBSCL. Con số thống kê cho thấy, sản lượng lương thực vùng TGLX đạt đến 4,73 triệu tấn (gần 20% sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL), diện tích canh tác lúa hơn 765 ngàn ha, chiếm 59% diện tích trồng lúa của hai tỉnh An Giang, Kiên Giang. Chính yếu tố trên đã giúp TGLX chiếm vị trí then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Sau cây lúa, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản với con cá và tôm là lợi thế thứ hai. Ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt với nhiều mô hình nuôi hiệu quả, tận dụng hệ thống kênh, mương dẫn nước nuôi cá trong vèo, đăng quần, nuôi bè, ao, nuôi tôm quãng canh cải tiến, công nghiệp, bán công nghiệp… rất phát triển. Con số thống kê cho thấy, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản TGLX đến năm 2011 trên 10 ngàn ha (trong đó con tôm gần 8 ngàn ha ở Kiên Giang), diện tích nuôi cá khoảng 1.500ha/năm. Sản lượng thủy sản toàn vùng đóng góp đến 226.830 tấn cá tôm (trong đó cá tra – basa xuất khẩu của An Giang trên 170 ngàn tấn). Nhờ đẩy nhanh tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp TGLX đạt sản lượng lúa gạo xuất khẩu phát triển mạnh với hơn 1,7 triệu tấn (gạo chiếm 1,5 triệu tấn).

GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, đánh giá: Qua hơn 20 năm khai thác, phát triển vùng TGLX đã trở thành vùng sản xuất trọng điểm của ĐBSCL cũng như cả nước. Trong đó, đáng chú ý là từ vùng hoang du, phèn nặng, vùng đã đẩy nhanh việc khẩn hoang, tháo chua, rửa phèn, cải thiện môi trường đất, nước để trở thành vùng đồng bằng canh tác lúa lớn. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng canh tác hiện đại, xoay vòng đất nhanh, hiệu quả phát huy tốt giá trị đất, mặt nước, cải thiện đời sống nhân dân, tạo bộ mặt nông thôn mới hiện đại, văn minh.

*Những thách thức đặt ra

Dù có nhiều lợi thế cạnh tranh trong phát triển nhưng theo GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam, vùng TGLX vẫn còn nhiều trăn trở. Trong đó việc hằng năm phải hứng chịu tình trạng nước lụt ngập sâu, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc gia cố đê bao, chống ngập úng, chống lũ. Biến động của thời tiết, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước vào mùa khô khá kiệt và nguy cơ xâm nhập mặn luôn đè nặng lên canh tác lúa của nông dân vùng. Song song đó, cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nguồn nhân lực chuyển biến rất chậm; chất lượng, hiệu quả, giá trị cạnh tranh các sản phẩm chủ lực còn nhiều bất cập, chưa xứng tầm với quá trình phát triển. Cơ sở hạ tầng cũng như trình độ dân trí vẫn là rào cản khiến việc phát triển vùng TGLX vẫn chưa tạo sức bật mạnh mẽ.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo vùng TGLX tỉnh An Giang, cho rằng: Việc phát triển TGLX với thành tựu nổi bật nhất là xây dựng thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả ĐBSCL. Thế nhưng, người nông dân vẫn chưa thực sự hưởng lợi. Điều đó được minh chứng bằng thu nhập vẫn còn thấp, người dân vẫn còn nghèo, hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động qua đào tạo cứ ì ạch... Do đó, phát triển TGLX trong thời gian tới không gì bằng là có những chính sách mang tính đột phá, đưa việc phát triển người dân lên hàng đầu và đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng. Thạc sĩ Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật An Giang, cho rằng: Có 6 vấn đề lớn hiện là thách thức cơ bản cho phát triển vùng TGLX trong giai đoạn tiếp theo. Đó là: Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động vùng chuyển dịch chậm, chưa mang tính bền vững và ổn định. Sản xuất nông nghiệp tuy phát triển nhanh nhưng thiếu tính cạnh tranh, giá trị đạt thấp. Trình độ dân trí, nguồn nhân lực nói chung chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay. Đặc biệt là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có tác động lớn đến quá trình phát triển thâm canh tăng năng suất, sản lượng, ứng dụng khoa học vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng quan điểm trên, GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, cho rằng: Đời sống nhân dân vùng quá chậm phát triển, nông dân dẫu là lực lượng chủ thể thụ hưởng lợi ích từ cây lúa nhưng hạt gạo làm ra vẫn chưa được thụ hưởng tương xứng; rủi ro thời tiết, trúng mùa mất giá, hay việc ép giá của công ty, doanh nghiệp… sẽ mãi là lực cản cho quá trình phát triển vùng.

* Định hướng cho sự phát triển

Với lợi thế cạnh tranh cũng như những thách thức đã nêu, có thể thấy để phát triển TGLX trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi tiên quyết nhất chính là chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cần có những quyết sách đầu tư, phát triển một cách táo bạo. Ví dụ: Chính sách hỗ trợ đất, phương tiện canh tác khi khai hoang TGLX của tỉnh An Giang những năm thập niên 1986 – 1988. Kiên Giang với chính sách ưu tiên vốn các thành phần kinh tế phát triển nhanh, mạnh bốn yếu tố: điện – đường – trường – trạm gắn việc quy hoạch, bố trí dân cư khai thác nguồn tài nguyên đất, nước. Hay cách làm sáng tạo của Đảng bộ huyện Thoại Sơn (An Giang) huy động sức dân cùng với chính quyền địa phương đầu tư hệ thống đê bao kênh mương nội đồng kết hợp giao thông nông thôn…

Do vậy, theo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo "20 năm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội TGLX" thống nhất quan điểm, chỉ ra 20 điểm cần đặc biệt quan tâm. Trong 20 định hướng tiếp theo cho vùng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là Trung ương cần quan tâm đặc biệt hơn bằng chính sách ưu tiên, bằng các nghị quyết, chuyên đề riêng nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhất là giao thông, kinh tế, văn hóa. Nghiên cứu, đánh giá các ảnh hưởng biến đổi khí hậu cho vùng - đây chẳng những là việc đảm bảo giữ vững diện tích sản xuất nông nghiệp mà còn đảm bảo tốt cho chính sách an ninh lương thực cả nước. Song song đó, việc nhanh chóng sửa đổi những mặt hạn chế của luật đất đai nhằm giúp việc bãi bỏ hạn điền, mở rộng diện tích chuyển nhượng… nhằm giúp việc canh tác diện tích lớn, xóa hẳn tình trạng sản xuất manh mún, tính cạnh tranh thấp. Đặc biệt, việc nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi cho vùng có ý nghĩa rất lớn nhằm tăng năng suất, sản lượng và xây dựng bằng được thương hiệu cho việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại trên trường quốc tế.

Bài, ảnh: Nguyễn Huỳnh

Chia sẻ bài viết