15/02/2012 - 08:46

2 tỉ USD - đích đến cho con cá tra

Con cá tra, ba sa Việt Nam đã có mặt ở 135 thị trường trên thế giới, chỉ với khoảng 6.000ha mặt nước. Năm 2011, mặt hàng cá tra mang về kim ngạch xuất khẩu trên 1,8 tỉ USD, xếp vị trí thứ 2 sau mặt hàng tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Song, vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vẫn chưa có phán quyết cuối cùng, những rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước EU... là những thách thức lớn mà ngành công nghiệp phải vượt qua để về đích 2 tỉ USD trong năm 2012.

Đo “ni” thị trường

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (KCN Trà Nóc 2 - TP Cần Thơ). Ảnh: T.HÀ. 

Năm 2011 xuất khẩu cá tra trên 600.000 tấn, với kim ngạch đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng khoảng 27% so với năm 2010. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu cá tra, ba sa sang 135 thị trường trên thế giới. Trong đó, thị trường nhập khẩu chính cá tra vẫn là EU và Mỹ, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Kim ngạch sang EU hơn 526 triệu USD, Mỹ gần 331,7 triệu USD; ASEAN trên 110,8 triệu USD (chiếm 6,1% và tăng 41,1% so với năm 2010)... Thị trường EU giảm 1% so với năm 2010 do suy thoái kinh tế tại các các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu, còn Mỹ tăng 87,8% so với năm 2010, do sản lượng cá da trơn nội địa giảm mạnh, trong khi đó thị phần của Trung Quốc giảm mạnh từ 25,1% xuống còn 8%. Thị trường xuất khẩu cá tra có mức tăng trưởng mạnh nhất năm 2011 là Brazil tăng 149% (đạt 84,52 triệu USD), Arabie Séoudite tăng 48,8% (58,56 triệu USD), Trung Quốc và Hồng Công tăng 29,2% (gần 55,5 triệu USD), Mexico tăng 26,4% (đạt 109 triệu USD), các thị trường khác tăng 26,5% (447,56 triệu USD).

Theo khẳng định của Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, năm qua không xảy ra hiện tượng cá nguyên liệu tồn đọng. Thêm vào đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chủ động áp dụng giá sàn xuất khẩu đã góp phần ổn định giá bán cá tra sang 1 số thị trường chính. Mức chênh lệch tăng giá xuất khẩu mặt hàng này thể hiện rõ qua các tháng 5, 6, 7, 8 và 10 tăng khoảng 26% so với đầu năm 2010, các tháng cuối năm 2011 tăng khoảng 15%. Song, trên thực tế sản phẩm cá tra xuất khẩu năm 2011 chủ yếu là hàng fillet đông lạnh, với giá trị 1,79 tỉ USD chiếm đến 99% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, các sản phẩm giá trị gia tăng chỉ khoảng 1%.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, năm 2011, mở rộng thị trường ở châu Mỹ, đặc biệt là Nam Mỹ, giá xuất khẩu tăng 23,5% so với năm 2010 đã tạo bước chuyển biến trong nuôi trồng- chế biến cá tra. Sự cố trong năm 2011 mà WWF tạo ra, nhiều DN, các nhà quản lý... đã trực tiếp tham gia đấu tranh để giữ thị trường Bắc Mỹ, đề nghị DOC xem lại việc áp thuế chống bán phá giá bằng đàm phán cấp cao của các nhà lãnh đạo Việt Nam với Mỹ và chúng ta đã làm được. Song, thách thức của thị trường vẫn chưa dừng lại. Hiện việc xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 7 đối với cá tra fillet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam kéo dài từ 1-8-2009 đến 31-7-2010 và quyết định cuối cùng của DOC dự kiến đưa ra ngày 7-1-2012. Tuy nhiên, DOC sẽ kéo dài thời hạn công bố quyết định cuối cùng vào ngày 7-3-2012 nhằm thu thập thêm thông tin, nguồn dữ liệu thay thế; các bên cần thêm thời gian xem xét và đệ trình ý kiến phản biện, hồ sơ vụ kiện.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính của một số quốc gia EU, nhưng sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam không phải duy nhất, mà đối thủ cạnh tranh của nó là con cá da trơn của Mỹ, một số quốc gia châu Á cũng nuôi được cá tra. Còn theo một DN chế biến cá tra xuất khẩu ở tỉnh Hậu Giang, thì từng thị trường có những đòi hỏi khác nhau, size cá, cách thanh toán cũng khác nhau. Do vậy, nếu DN không chủ động sẽ rơi vào thế bị động trước những thay đổi từ các nhà nhập khẩu. Chỉ thị trường Mỹ năm qua ngoài vụ kiện chống bán phá giá, thì yêu cầu size cá lớn, nhỏ cũng làm DN đau đầu.

Liên kết sản xuất

Năm 2011, hầu hết các DN chế biến đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có DN tự chủ nguyên liệu được 60-70% công suất chế biến. So với năm 2010, mối liên kết trong chuỗi sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như mô hình liên kết chuỗi tại An Giang; mô hình liên kết, Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất và xúc tiến thành lập Hội nuôi cá tra ở TP Cần Thơ. Đến nay, có khoảng 2.000ha đạt chứng nhận Global GAP (chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi), các địa phương có diện tích đạt cao gồm An Giang 214ha/1.160ha đạt 18,5%, TP Cần Thơ, Vĩnh Long... Năm 2012, theo kế hoạch dự kiến, sản lượng cá tra vùng ĐBSCL đạt mức 1,2-1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Đây là đích đến đầy cam go cho con cá tra.

Hiện nay, sản phẩm cá tra được các nước nhập khẩu tăng cường kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Năm 2011, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho hơn 270.000 tấn cá tra xuất khẩu sang các thị trường. Công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và được phép xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu lập danh sách (EU, Hàn Quốc, Trung Quốc) hiện nay là 192 cơ sở, tăng 42 cơ sở so với năm 2010. Đối với Liên bang Nga, số lượng các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu sang thị trường này vẫn là 10 cơ sở, giữ nguyên số lượng so với năm 2010... Do vậy, việc kiểm soát từ gốc đối với sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam đang rất bức thiết hiện nay nhằm củng cố và xây dựng hình ảnh sản phẩm đứng vững trên thị trường.

Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100 cơ sở chế biến cá tra, công suất gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm, các DN lớn công suất trung bình đạt 8.000 – 10.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chế biến ra sản phẩm thô sơ chế, tỷ lệ hàng giá trị gia tăng thấp nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (1-5% sản phẩm GTGT). Công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch tại một số địa phương chưa tốt, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thống kê và dự báo trong sản xuất, tiêu thụ cá tra còn hạn chế nên sản xuất chưa thực sự gắn với thị trường; một số DN vì lợi nhuận của mình đã tìm mọi cách hạ giá bán sản phẩm tại một số thị trường ngoài nước. Các chương trình quảng cáo và xúc tiến thương mại chưa đủ mạnh để truyền tải thông tin kịp thời và chính xác đến khách hàng tiêu dùng trong, ngoài nước. Thêm vào đó, người nuôi rất cần vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ (cho mức đầu tư 6-10 tỉ đồng/ha), nhưng ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn, tài sản của người nuôi không đủ thế chấp để tiếp cận với nguồn vốn vay. Do vậy, để ngành hàng cá tra Việt Nam trụ vững trên thị trường cần giải quyết tốt các vướng mắc trên.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nêu quan điểm: “Năm 2012 tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả của con cá tra làm cơ sở duy trì, mở rộng thị trường. Các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, đảm bảo cho người nuôi, DN có sản phẩm tốt nhất ra thị trường. Gia tăng kiểm soát ở cảng để đảm bảo uy tín cho con cá tra Việt Nam khi xuất khẩu, phải quản lý chuỗi sản xuất từ ao nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường liên kết “4 nhà” để nâng chuỗi giá trị cá tra”. Nghị định Quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra sẽ là bước đệm quan trọng để kiểm soát từ gốc đối với mặt hàng chiến lược này.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết