18/07/2022 - 11:18

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bảy mươi mốt

AI SẼ THẮNG AI?

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

4. Chú Tư Khánh ngồi trong văn phòng doanh trại dã chiến. Tin thắng lợi từ ba nước Ðông Dương và bốn vùng chiến thuật dồn về tới tấp. Chiếc radio kéo thẳng ăng-ten như nối mạch cùng nhịp đập thời sự đang tưng bừng sôi sục không khí kết thúc chiến tranh diễn ra từ Hội nghị Paris về các chiến trường Trị Thiên đến Cà Mau. Bỗng chú Tư có khách. Chú Bảy Bình báo cáo với chú Tư:

- Báo cáo anh, thằng Năm Thơ bỏ ngũ trốn rồi!

- Nó trốn hồi nào? Trốn với ai?

- Tính đúng ra nó trốn tuần trước. Hợp lý hóa chuyến công tác về Cái Sắn, nó lấy phương tiện và vũ khí trang bị cho nó, đi luôn. Nó đi với ai thì ta chưa nắm rõ. Nhưng chắc chắn là có một đứa con gái đi theo nó.

- Cậu này ta để ý lâu rồi. Nó “bể nguội”, như vậy nó đào ngũ trước chiến thắng đơn vị thanh niên xung phong của ta đánh gục chiến dịch mạo danh Trương Công Ðịnh của giặc. Còn cô gái mà đi theo nó là ai thì ta biết rồi. Cậu này nói chung đầu chải láng mướt tối ngày, hay lén phéng cô này chưa xong, thì tới cô khác. Nó là em nuôi của Hai Nô nên việc đào ngũ có lẽ Hai Nô biết trước…

- Theo anh em nhận định thì thằng này về nhà thôi. Nó không tin là chiến tranh đang kết thúc. Hơn nữa ở đơn vị vấn đề “3 khoan” cũng là một cách bó buộc tự do hôn nhân của cậu ta. Tuy nhiên khi có người rời đơn vị, dù đầu hàng địch hay không, ta vẫn phải cảnh giác đề phòng…

- Ðơn vị ta gần 10 năm chiến đấu và vận chuyển trên tuyến đường 1C huyền thoại, không hề xảy ra trường hợp đầu hàng, đầu thú và bỏ ngũ chạy dài. Thằng Năm Thơ là một biểu hiện xấu, nhưng tình hình này, ta trên đà thắng lợi liên tục với dấu hiệu kết thúc chiến tranh, thì không đáng ngại lắm.

- Tôi nhớ lúc địch xua bọn Phượng hoàng và các đoàn Công dân vụ, tâm lý chiến tranh Tổng thống phủ cùng các tên đầu hàng, đầu thú, trong đó có Sáu Khẩn, Tám Ðắc… chúng a tùng các cuộc càn quét “Tìm diệt”, “Bóp nghẹt”, bao vây lấn chiếm của các sư đoàn Mỹ ngụy, chúng kêu gọi đầu hàng từng tên chiến sĩ ta. Chúng giả làm cán bộ chỉ huy, lội ra tận bìa rừng kêu gọi tên chiến sĩ, cán bộ ta hãy gom về căn cứ. Chúng xí gạt và lừa mị đủ trò. Nhưng lực lượng thanh niên xung phong tuyến 1C vẫn vững như bàn thạch.

- Cô Vân và cô Diệu bị giặc bắt ở Tràm Dưỡng đánh đập hết sức tàn nhẫn nhưng luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ. Học tập gương hy sinh oanh liệt của nữ anh hùng Hồng Láng, ta có biết bao điển hình tốt đẹp như cô Tuyết B52, cô Dũng kiện tướng… đàn bà con gái mà mang vác 50 ký hàng sắt thép, lội hàng chục cây số trên đường sình sụp, không chỗ để xuống nghỉ ngơi dọc đường. Cô Tư Vân gởi con cho nội ngoại, tham gia phục vụ tuyến đường để trả thù chồng bị chúng giam cầm tra tấn...

- Anh Tư nói làm tôi nhớ các cô gái bắn pháo ÐK diệt xe tăng địch, các cô gái bắn pháo cối khi nòng pháo quá nóng, cởi khăn áo quấn vào để tiếp tục lắp đạn, dội xuống phá tan mấy đợt phản xung phong của địch vào chiếm kho ở Kirivong - Bang Hang.

- Còn nữa, còn 2 cô gái dập pháo màu, xóa mục tiêu oanh kích của địch, bảo vệ được doanh trại và kho vũ khí. Cũng ở đây chú Thống con, người đánh trâu đưa đồng chí Hai Văn Phan Văn Ðáng, Phó Bí thư Trung ương Cục vượt biên giới Vĩnh Tế về T3 chỉ huy cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Cứ như vậy, hai chú vừa uống trà với đường thốt nốt, vừa nhắc nhở thành tích và chiến công của từng chiến sĩ thân yêu dưới quyền chỉ huy của chính mình. Những tên người chết như Sáu Dân, Sáu Thiện, Bảy Thu, Tám Hoa, Chín Nguyên, Ba Phiên, Ba Nơi, Hai Tân và hàng trăm nam nữ chiến sĩ khác cũng được hai chú nhắc tới trong mỗi lần hội họp, như lòng đất âm vang:

Con đường 1C, 1C là đây

Thanh niên xung phong miền Tây tuyến lửa

Nơi sắt thép phải tan ra tất cả

Chỉ con người qua được. Lạ lùng thay!

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết