15/11/2016 - 09:20

Nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ 2009-2014

16 ca tử vong do uốn ván đều không tiêm ngừa

(CT) - Đó là thông tin từ bác sĩ Hà Thị Thảo Mai và Lê Công Hành, công tác tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ, sau khi nghiên cứu "Đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị uốn ván tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2009-2014".

Nhóm tác giả nghiên cứu qua 84 ca uốn ván điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Khi phát bệnh, bệnh nhân có các biểu hiện như: Cứng hàm (trên 97%), co giật toàn thân (gần 43%), rối loạn nuốt (gần 42%)... Thời gian ủ bệnh tối thiểu 1 ngày và tối đa 57 ngày. Thời gian nằm viện từ 2 đến 35 ngày. Trong đó, gần 43% bệnh nhân có các bệnh lý kèm theo như: đái tháo đường, tăng huyết áp... Qua điều trị, có 44 ca khỏi bệnh không có biến chứng; 24 ca khỏi bệnh có biến chứng và 16 ca tử vong. Qua nghiên cứu, các tác giả kết luận các yếu tố làm tăng độ nặng bệnh uốn ván gồm: tuổi càng cao bệnh càng nặng; nữ có nguy cơ bệnh nặng hơn nam; người có các bệnh lý đi kèm, nguy cơ bệnh nặng hơn... Theo thống kê, trên 95% không tiêm ngừa uốn ván sau khi phơi nhiễm và tất cả bệnh nhân đều không tiêm nhắc (tiêm củng cố).

Các tác giả khuyến cáo, người dân sau khi phơi nhiễm cần xử trí vết thương, tiêm ngừa sớm, đúng và đủ liều. Ngoài ra, người có nguy cơ cao như: nông dân, người chăn nuôi, người dọn dẹp cống rãnh, công nhân xây dựng... nên tiêm phòng uốn ván và tiêm nhắc (tiêm củng cố).

H.Hoa

Chia sẻ bài viết