18/12/2009 - 21:01

10 bước tiến khoa học năm 2009

Việc khám phá bộ xương hóa thạch 4,4 triệu năm tuổi, được cho có thể là tổ tiên của loài người, vừa được tạp chí Khoa học (Science) của Mỹ bình chọn là đột phá khoa học quan trọng nhất trong năm 2009.

Từ các mẩu xương hóa thạch, các nhà khoa học đã tái hiện hình dáng lúc sinh thời của Ardi. Ảnh: Science 

Theo các biên tập viên của Science, hóa thạch được đặt tên là Ardi đã trở thành “nhân vật trung tâm trong câu chuyện về quá trình tiến hóa của nhân loại”. Những hóa thạch đầu tiên của loài người vượn Ardipithecus ramidus (gọi tắt là Ardi) được tìm thấy ở Ethiopie vào năm 1994. Ngay lúc đó, các nhà khoa học đã nhận ra tầm quan trọng của khám phá. Tuy nhiên, do hiện trạng nghèo nàn của những mẩu xương hóa thạch cổ xưa, nên nhóm 47 khoa học gia thuộc 9 nước đã mất đến 15 năm mới có thể phân tích cặn kẽ những mẩu xương sọ, răng, xương chậu, tay và bàn chân của “bà tổ” Ardi. Kết quả nghiên cứu bộ xương Ardi được công bố trên Science tháng 10 vừa qua.

Với niên đại lớn hơn 1,2 triệu năm so với Lucy – bộ xương hóa thạch được cho là tổ tiên lâu đời nhất của loài người, “Ardi đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về quá trình tiến hóa ban đầu của loài người”, biên tập viên Bruce Alberts của Science nhận xét. Nhiều đặc điểm được phát hiện trên xương sọ, răng, xương chậu, bàn tay và chân của Ardi cho thấy loài vượn người châu Phi đã tiến hóa rất nhiều kể từ khi có chung tổ tiên với loài người. Ardi là sự tổng hòa các nét “nguyên thủy” của tổ tiên mình với những đặc điểm “phát sinh” của những sinh vật có hình dáng giống người. Bộ xương hóa thạch có niên đại 4,4 triệu năm này cũng mang một số nét giống loài người hiện đại. Một trong những kết luận đáng chú ý của các nhà nghiên cứu là Ardi có dáng đi thẳng đứng dựa theo hình dáng xương chậu, cho phép sinh vật này đứng cân bằng trên một chân.

Sau đây là 9 tiến bộ khoa học còn lại do Science bình chọn và công bố hôm 17-12:

- Bí mật của sao neutron: Kính viễn vọng tia gamma Fermi của Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) đã nhận dạng những ngôi sao neutron mà con người chưa từng biết đến. Chúng tự xoay rất nhanh và phát ra từ trường mạnh.

- Kéo dài sự sống: Các nhà nghiên cứu phát hiện hợp chất rapamycin có khả năng kéo dài vòng đời của chuột. Khám phá này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi rapamycin chỉ phát huy tác dụng khi chuột bước vào tuổi trung niên.

- Siêu dẫn cực độ: Các nhà khoa học khám phá đặc tính của graphane, những miếng nguyên tử carbon đơn lớp dẫn điện cao, và bắt đầu sử dụng vật liệu này chế tạo các thiết bị điện tử thử nghiệm.

- Khả năng sinh tồn của thực vật: Các nhà nghiên cứu phát hiện cấu trúc của một phân tử giúp thực vật sống sót trong điều kiện hạn hán, mở ra triển vọng phát triển các phương pháp giúp bảo vệ cây trồng trong các đợt hạn kéo dài.

- Dụng cụ laser: Phòng Thí nghiệm gia tốc quốc gia SLAC ở California (Mỹ) phát triển máy chiếu laser tia X đầu tiên trên thế giới. Công cụ này có khả năng chụp ảnh nhanh các phản ứng hóa học khi chúng xảy ra cũng như nghiên cứu các vật chất với mức độ chi tiết chưa từng có.

- Liệu pháp gien: Các chuyên gia Mỹ và châu Âu đạt tiến bộ trong việc điều trị một căn bệnh não nguy hiểm, chứng mù lòa do di truyền và chứng rối loạn miễn dịch nghiêm trọng bằng việc ứng dụng liệu pháp gien.

- Cực từ độc nhất: Các nhà vật lý tạo ra loại sóng từ có đặc tính giống “cực từ độc nhất” – loại hạt cơ bản chỉ có một cực từ.

- Mặt trăng có nước: NASA khám phá sự hiện diện của hơi nước trong đám bụi bốc lên từ cái hố có đường kính 20-30 m do vụ nổ gây ra. NASA đã bắn một rốc-két nặng hơn 2 tấn xuống hố Cabeus (đường kính 100 km) nằm gần cực Nam Mặt trăng để tạo ra vụ nổ nhằm tìm kiếm nước dưới đáy hố.

- Sửa chữa kính viễn vọng Hubble: Sau khi được các phi hành gia sửa chữa, kính thiên văn Hubble trở nên sắc nét hơn, hứa hẹn sẽ cho ra những bức ảnh vũ trụ đẹp mắt.

LONG CHÂU (Theo BBC, AFP)

Chia sẻ bài viết