Hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nhiều thành phố trên thế giới bắt đầu đưa vào thử nghiệm loại hình giao hàng thân thiện nhằm hạn chế tắc nghẽn giao thông và phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm.
Thường khi có đơn hàng, sản phẩm từ trung tâm lưu trữ sẽ được đóng gói sau đó vận chuyển bằng xe tải với giao hàng chặng cuối là đến tay khách hàng. Khâu này chiếm khoảng 1/2 chi phí toàn bộ hành trình. Theo quy trình trên, phần lớn xe tải giao hàng mỗi ngày phải ghé qua ít nhất 100 điểm dừng ngắn. Lộ trình như vậy góp không nhỏ vào tình trạng ùn tắc giao thông, gia tăng chi phí do chậm trễ và hơn hết là tác động tiêu cực lên môi trường.
Xe đạp chở hàng tham gia dự án Colibri. Ảnh: Guardian
Trong đó, “giao hàng chặng cuối” đang trở thành vấn đề lớn song song với sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử. Thu hút và chiều lòng khách hàng, các doanh nghiệp đặc biệt đưa ra dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc ngay hôm sau, đồng nghĩa nhiều xe tải phải di chuyển vào trung tâm thành phố kể cả vào giờ cao điểm. Có trường hợp xe rời kho không chỉ một mà 2-3 lần mỗi ngày và chạy vòng thành phố để đảm bảo hàng giao đúng hạn. Tại Mỹ, trang Vox cho biết ngành giao thông từ năm 2016 đã thay thế các nhà máy sản xuất trở thành nguồn phát thải khí carbon dioxide (CO2) nhiều nhất. Cũng theo trang này, gần 1/4 “dấu chân carbon” ngành vận tải có nguồn gốc từ xe tải hạng vừa và hạng nặng - phương tiện chính trong khâu giao hàng chặng cuối.
Theo nhà tư vấn bán lẻ đô thị Glenn Castanheira, trong tương lai, lượng khí thải CO2 toàn cầu do vận chuyển hàng hóa thương mại có thể chiếm tới 40% lượng phát thải khí nhà kính ở đô thị và góp 50% chất gây ô nhiễm không khí. Không chỉ ảnh hưởng môi trường, Ủy ban châu Âu ước tính Liên minh châu Âu thiệt hại 1% GDP mỗi năm do tắc nghẽn giao thông quanh khu vực thành thị, tương đương khoảng 100 tỉ euro.
Giải pháp bền vững và thông minh cho di chuyển trong đô thị
Tại Canada, tổ chức Jalon Montréal đã cho triển khai thí điểm mô hình giao hàng trọn gói Colibri thay thế xe tải giao hàng bằng các phương tiện hiệu quả, kinh tế và thân thiện môi trường. Theo đó, Colibri không sử dụng kho bãi như thông thường mà đặt khoảng 5 ki-ốt tái chế từ các container tại bến xe buýt cũ của thành phố. Các ki-ốt trở thành nơi trưng bày di động mở cửa cho tất cả mọi người. Khi có đơn hàng, nhiều đối tác khác nhau sẽ quản lý và sử dụng xe đạp điện hoặc dịch vụ chia sẻ ô tô để phân phối sản phẩm. Tham gia mô hình này, nhân viên dịch vụ chuyển phát nhanh Purolator ước tính tần suất giao hàng bằng xe đạp mỗi ngày tương đương xe tải mà lại giảm đáng kể lượng khí thải gây ô nhiễm cũng như thời gian bị kẹt xe. Bắt đầu triển khai từ tháng 9, Colibri nhận được phản hồi tích cực từ cư dân địa phương, thậm chí hội đồng thành phố Montréal hy vọng mô hình giao hàng trọn gói này có thể được mở rộng để thay thế các nhà kho khổng lồ ở ngoại ô.
Nhân viên bưu điện Na Uy giao hàng trong trung tâm thủ đô Oslo. Ảnh: Guardian
Còn tại thủ đô Oslo (Na Uy), ngành dịch vụ bưu chính quốc gia 6 tháng trước bắt đầu sử dụng xe 3 bánh, xe tải điện và những loại xe khác thân thiện môi trường để phát bưu phẩm. Theo đánh giá, những phương tiện này góp phần tăng 25% năng suất lao động và giảm đến 40% lượng khí nhà kính do hoạt động giao nhận hàng hóa ở Olso. Chưa kể lợi ích lớn nhất chính là tiết kiệm thời gian. Hiện cơ quan bưu chính quốc gia Na Uy cung cấp 80% hàng tiêu dùng đóng gói (thực phẩm, nước giải khát, mỹ phẩm và đồ gia dụng) và xem xét giao hàng ban đêm. Mô hình này đã được ứng dụng tại thành phố New York (Mỹ), khuyến khích các công ty giao hàng từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng để hạn chế tắc nghẽn và ô nhiễm.
Một số ý tưởng tương tự nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị bằng cách giảm tác động của khâu giao hàng chặng cuối cũng đang được áp dụng tại nhiều nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như dự án KoMoDo ở thủ đô Berlin (Đức) hay dự án thử nghiệm thay xe tải bằng xe điện ở thủ đô Luân Đôn (Anh). Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, Jalon Montréal cho rằng người tiêu dùng cần hiểu tác hại lên môi trường của việc nhận hàng nhanh sau một hoặc hai ngày. Để mua sắm online “xanh hơn”, tổ chức này khuyến cáo khách hàng thay đổi thói quen mua sắm vội vàng không cần thiết, chấp nhận giảm sự tiện lợi bằng cách chịu khó chờ hàng giao chậm sau 3 ngày thay vì nhận liền để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
ĐƯỜNG THẤT (Theo Guardian)