27/06/2018 - 20:47

“Ống kính sát nhân” – Phép thử của dòng phim tâm lý tội phạm 

Điện ảnh Việt hiếm khi có phim tâm lý tội phạm, vì đây là đề tài rất khó. Thế​ như​ng ngay ở​ tác phẩm đầu tay, đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng và ê kíp đ​ã​ chọ​n thể loại này với “Ống kính sát nhân” (ản​h), vừa ra rạ​p. Phim có sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc, đường dây cốt truyện mạch lạc, chất lượng khá tốt, lôi cuốn người xem.

Phim lấy bối cảnh Đà Lạt năm 1968.  K (Hứa Vĩ Văn), một thanh tra giỏi của sở cảnh sát, sau sự cố vô tình gây ra cái chết cho một nữ đồng nghiệp; đã không được cấp trên giao phụ trách vụ án vợ chồng nghệ sĩ cải lương Liên Hoa bị giết. Thay thế K, thanh tra Dương (Quang Sự) nhanh chóng bắt nghi phạm tên Tốn (Kinh Quốc) với nhiều chứng cứ. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và phán đoán, K cho rằng Dương đã bắt nhầm người, nhưng cấp trên không tin và quyết định cho K nghỉ phép. Lúc này, Cẩm Phô (Diễm My 9X) vợ sắp cưới của nghi phạm kêu oan. K và Cẩm Phô cùng âm thầm tìm hung thủ thật sự. Lần theo những manh mối, họ phát hiện cái chết của vợ chồng nghệ sĩ chỉ là khởi đầu của một âm mưu kinh khủng khác…

Không chỉ tạo sự khác biệt về thể loại, “Ống kính sát nhân” còn gây ấn tượng bởi phong cách thể hiện; từ bối cảnh, hình ảnh, ánh sáng đến góc quay đều nhuốm màu cổ điển, u ám, bí ẩn. Nửa thời lượng đầu, phim theo hướng điều tra trinh thám pha một chút kinh dị, ma quái; nhưng càng về sau, khi hung thủ lộ diện, phim thể hiện rõ tâm lý tội phạm với những thủ pháp khắc họa nhân vật đắt giá, lôi cuốn. Khán giả không khỏi ghê sợ bởi biểu hiện bất ổn và thần kinh của hung thủ. Cuộc đối đầu của một thanh tra dày dạn kinh nghiệm và một tên tội phạm đa nhân cách vì thế càng thêm gay cấn, kịch tính.

Nội dung có những chi tiết bất ngờ, ngoài phán đoán; tâm lý nhân vật chính diện và phản diện được khắc họa rõ nét và ở thế đối trọng, cân bằng. Diễn viên tròn vai, đặc biệt Khương Ngọc lột tả rất sắc tâm lý đa chiều của tên tội phạm. Mạch phim tuy chậm nhưng giữ được nhịp điệu tốt, tạo sự căng thẳng và hồi hộp cho người xem đến phút cuối. Tuy nhiên, do thời lượng hạn chế nên một số tình tiết chưa được làm rõ, khiến người xem khó hiểu. Chẳng hạn như Cẩm Phô làm sao có được bức thư từ nhân tình của Tốn? Người quản gia tại sao lại dễ sàng phản bội chủ nhân và khai báo sự thật với thanh tra K? Chi tiết vết cắn trên tay nghi phạm chưa được lý giải thấu đáo... Đặc biệt, cái kết lơ lửng về số phận của thanh tra K sau khi vụ án khép lại cũng làm khán giả thắc mắc.

Nhìn chung, tác phẩm đầu tay của đạo diễn sinh năm 1991 không làm người xem thất vọng. Phép thử của dòng phim tâm lý tội phạm khá thành công và hứa hẹn một hướng đi mới. 

 CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết