Bài, ảnh: HIẾU THUẬN
Ðúng như dự báo, lượng khách du lịch đến Kiên Giang dịp lễ 30-4 và 1-5 giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia du lịch cho rằng đây là “nốt trầm” cần thiết để du lịch Kiên Giang nhìn lại những yếu tố khách quan lẫn vấn đề nội tại, để có giải pháp thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững hơn.
Khách du lịch tại đảo ngọc Phú Quốc.
“Nốt trầm” cần thiết
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt để phục vụ du khách. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đúng quy định, không ghi nhận trường hợp du khách mắc COVID-19. Các doanh nghiệp đầu tư thêm sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện du lịch hấp dẫn; công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch đến du khách được tăng cường, giúp khách có nhiều lựa chọn phù hợp với thời gian nghỉ và khả năng tài chính.
Trong 5 ngày từ ngày 29-4 đến 3-5, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 264.938 lượt khách, giảm 9,4% so cùng kỳ năm 2022; tổng thu từ du lịch đạt trên 210 tỉ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân đạt khoảng hơn 52%; phân khúc 4-5 sao đạt từ 65-70%.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho rằng lượng khách đến tham quan du lịch không tăng so với cùng kỳ do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát vẫn còn ở mức khá cao, xung đột vũ trang... đã tác động đến nhu cầu đi du lịch của du khách quốc tế. Trong nước, giá cả và chi phí tăng tác động đến nhu cầu du lịch của du khách. Du khách cũng e ngại khi đi du lịch do tình hình dịch bệnh COVID-19 có xu hướng tăng. Theo ông Bùi Quốc Thái, giá vé bay tăng cao cũng khiến khách du lịch lựa chọn điểm đến khác có giá phù hợp hơn. Du lịch nước ngoài cũng đang là xu hướng do các tour du lịch nội địa có giá cao hơn một số tour du lịch trọn gói nước ngoài…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang - ông Trần Quốc Khánh cho rằng, dù lượng khách đến Kiên Giang dịp lễ này giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đây có thể coi là “nốt trầm” cần thiết để ngành du lịch Kiên Giang nhìn lại những yếu tố khách quan lẫn vấn đề nội tại để từ đó có giải pháp đưa du lịch phát triển bền vững hơn. “Về khách quan, chúng ta có thể nói việc vé bay tăng cao, ảnh hưởng do tình hình thế giới, lạm phát… Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận Kiên Giang nên có thêm sản phẩm tốt, mới lạ, hấp dẫn ngoài Phú Quốc để “chia lửa” với đảo ngọc và thu hút được du khách. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông xuống cấp khiến cho việc kết nối từ các trung tâm du lịch lớn như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam đến các điểm đến, nhất là TP Hà Tiên gặp nhiều khó khăn” - ông Khánh nói.
Liên kết để phát triển bền vững
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù đã được dự báo trước nhưng vẫn cảm thấy tiếc nuối vì du lịch không “bùng nổ” dịp lễ 30-4 và 1-5. Do đó, để du lịch Kiên Giang thu hút khách và phát triển bền vững, cần có những bước đột phá mới. Theo ông Du Tố Tuấn, Giám đốc Vietravel chi nhánh Rạch Giá, sau lễ 30-4 và 1-5, nổi lên vấn đề của du lịch không riêng Kiên Giang mà của cả du lịch Việt Nam là việc cần liên kết chuỗi giá trị du lịch từ hàng không, vận tải, lưu trú, lữ hành với nhau. Bởi khi các mắt xích này liên kết, mới có thể tạo ra sản phẩm du lịch vừa có giá tốt, hấp dẫn du khách và phát triển bền vững.
Ông Tuấn viện dẫn, ở các quốc gia có ngành du lịch phát triển, việc liên kết chuỗi giá trị du lịch cực kỳ chặt chẽ và chuyên nghiệp. Các dịch vụ liên kết cao độ nhằm phục vụ khách hàng từ khi bước chân ra khỏi nhà, đến điểm tham quan, giải trí, du lịch, sau đó quay trở về nhà. “Nhiều quốc gia có chính sách với sản phẩm du lịch giống như sản phẩm công nghiệp, tức là cần phải tổ chức một chuỗi cung ứng nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch bao gồm từ hàng không, lữ hành, lưu trú, điểm đến… Liên kết giá trị trong du lịch góp phần tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch vùng và ngành du lịch quốc gia” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho rằng, trước mắt du lịch Kiên Giang nói riêng, Việt Nam nói chung có thể tham khảo cách làm du lịch của Thái Lan. Ðể giữ chân khách, du lịch Thái Lan chú trọng vào việc nâng cấp chuỗi cung ứng, đáp ứng nền du lịch dựa trên trải nghiệm thông qua việc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch theo khái niệm “sức mạnh mềm” (5F: food - ẩm thực, festival - lễ hội, film - phim ảnh, fight - võ thuật và fashion - thời trang). Song song đó, Thái Lan cũng xây dựng các tiêu chuẩn bền vững để mang lại trải nghiệm du lịch cao cấp, tạo ra chuyến du lịch có ý nghĩa. Từ đó, họ biến mình trở thành một điểm đến có giá trị, ý nghĩa để thôi thúc khách quay lại nhiều lần.
“Du khách thích du lịch Thái Lan vì có vé bay rẻ, nhiều hãng bay và giờ bay; thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản; phương tiện giao thông công cộng phát triển và ít khi xảy ra tình trạng chặt chém. Các sản phẩm du lịch của Thái Lan đa dạng từ điểm du lịch thiên nhiên đến các khu phố đi bộ về đêm, hoạt động du lịch liên quan đến văn hóa, lịch sử, phù hợp với khách tự túc lẫn khách đoàn. Ẩm thực và nhiều điểm mua sắm với đủ mặt hàng, mọi mức giá cũng là yếu tố khiến khách quay lại xứ Chùa Vàng” - ông Tuấn nhận xét.