14/06/2017 - 14:45

Ngày đầu của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

“Nóng” với nhiều vấn đề dư luận quan tâm

TTH.VN - Sáng 13- 6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ngày đầu của phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện "đăng đàn" trả lời nhiều vấn đề thời sự dư luận quan tâm, từ việc khủng hoảng thừa đàn heo, tàu vỏ thép bị hư hỏng sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đến việc qui hoạch bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Sáng 13- 6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ngày đầu của phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện "đăng đàn" trả lời nhiều vấn đề thời sự dư luận quan tâm, từ việc khủng hoảng thừa đàn heo, tàu vỏ thép bị hư hỏng sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đến việc qui hoạch bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)…

Căn cứ nhu cầu, tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất

 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là người "đăng đàn" đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Vấn đề về khủng hoảng thừa đàn heo là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do sức sản xuất của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng quá nhanh. Đặc biệt, ngành chăn nuôi heo có sức tăng trưởng nhanh hơn các ngành hàng khác. Ngoài ra, cơ cấu thực phẩm hiện nay đã thay đổi, mức tiêu thụ thịt heo đã giảm đáng kể. Nguyên nhân thứ hai là do việc tổ chức ngành hàng của Việt Nam hiện nay chưa tốt. Bộ trưởng đánh giá, khâu tổ chức thị trường có thể nói là khâu yếu nhất trong ngành hàng hiện nay. Việt Nam hiện mới xuất khẩu thịt heo đi được 3 nước, chủ yếu là sản phẩm thịt heo sữa; còn lại chủ yếu là ngoại thương qua đường tiểu ngạch cho Trung Quốc, chưa khai thác được nhiều thị trường mới. Bên cạnh đó, việc hội nhập với thị trường thế giới và khu vực khiến dòng thực phẩm từ bên ngoài vào Việt Nam.

 

Phiên họp được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình Quốc hội và Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (http://www.quochoi.vn).

Làm rõ hơn sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong định hướng thị trường cho hàng hóa nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp phải căn cứ theo nhu cầu, tín hiệu của thị trường trong và ngoài nước để xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch cho tốt. Sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong nghiên cứu thị trường, nghiên cứu dữ liệu và cơ sở để xây dựng quy hoạch cần được cải tiến hơn, tăng cường phối hợp trong tổ chức thực hiện, nhất là với chính quyền các địa phương. Việt Nam phải đánh giá đúng các lợi thế cạnh tranh để quy hoạch thị trường tốt. Vai trò của cơ quan nhà nước phải xây dựng được quy hoạch để định hướng sản xuất phù hợp với thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn trả lời về tình trạng tàu vỏ thép được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67 đang bị hư hỏng nặng sau một thời gian ngắn sử dụng; về tích tụ ruộng đất; về tái cơ cấu ngành mía đường. Bộ trưởng cũng đã tập trung làm rõ các nội dung về chính sách để người dân yên tâm giữ rừng; phát triển công nghệ chế biến; phát triển công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; vấn đề sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long... Về việc tàu vỏ thép bị hư hỏng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Trong vấn đề này, cơ quan, cá nhân nào sai, chịu trách nhiệm đến đâu, liều lượng thế nào chúng ta phải làm kiên quyết. Kể cả thuộc phần của Bộ, ở đâu sai Bộ cũng phải chịu trách nhiệm".

Thay mặt Chính phủ tham gia giải trình vào cuối phiên chất vấn sáng 13-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo với các đại biểu Quốc hội các giải pháp tổng thể để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trước hết cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ nhằm tạo môi trường, động lực cho nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần kế hoạch hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Phải tổ chức lại sản xuất, giảm bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập đến các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cần được tăng cường, nhất là công nghệ sinh học... Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường cho nông dân, cũng là những vấn đề cần quan tâm.

Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ chỉ mới 11 tháng nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nắm chắc tình hình, nắm rõ thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, nhận trách nhiệm; làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu cũng như đề ra những giải pháp của ngành trong thời gian tới.

"Nóng" chuyện phát triển du lịch và văn hóa

"Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm"- Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã mở đầu như thế trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội vào chiều 13-6 khi đề cập đến các sự cố tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng Cục Du lịch vừa qua. Những vấn đề "nóng" của ngành gần đây được các đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng trả lời thẳng thắn.

Vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà được các đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin, năm 2014, Bộ VHTTDL đã lập quy hoạch, năm 2016 trình Chính phủ phê duyệt; trong quá trình đó Bộ đã phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng và gửi 11 bộ ngành góp ý. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất với quy hoạch, sau đó đã thẩm định hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ trưởng cho biết việc lập và trình quy hoạch Sơn Trà là theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và khẳng định sẽ tiếp thu, tranh thủ ý kiến của nhân dân để có hướng chỉ đạo mới về quy hoạch này. Nhắc đến văn bản mà lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu phê bình Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông nói rằng đó là "bài học rất đáng tiếc".

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc phát triển Sơn Trà phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Đà Nẵng thống nhất quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà ở mức nào (miễn là dưới 1.600 phòng), Chính phủ đều đồng ý. Thậm chí giữ nguyên trạng, hay thấy chưa cần phát triển du lịch vội, Chính phủ cũng sẽ đồng ý.

Lĩnh vực văn hóa cũng được nhiều đại biểu ưu tiên chất vấn, với các vấn đề "nóng" như: cấp phép phổ biển các ca khúc sáng tác trước năm 1975, chuyện bảo tồn và phát huy di tích, tình trạng một số lễ hội phản cảm, việc thu phí tác quyền… Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin, cả nước hiện có 40.000 di tích phổ thông, 3.300 di tích cấp quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh, thành phố. Ông Thiện đánh giá nhiều di tích bị mối mọt, xuống cấp. Giai đoạn 2011- 2015, có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có việc trùng tu di tích, bảo tồn di sản. Nhưng từ năm 2016 không còn chương trình này, mà giao về cho các địa phương. Ông Thiện đề nghị các địa phương phải quan tâm công tác này và đề xuất hai giải pháp là tạo nguồn thu cho di tích và xã hội hóa. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã tranh luận, không đồng tình. Đại biểu cho rằng 2 đề xuất của ông Thiện là "mang tính bị động" và Bộ VHTTDL không nên "đổ thừa" cho địa phương mà phải đề ra những giải pháp căn cơ trong công tác này.

Về việc cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa qua, Bộ trưởng Thiện cho biết, nguyên nhân do năng lực cán bộ, là cái sai không đáng có, sai về nghiệp vụ, sai những chuyện hết sức sơ đẳng. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chuyện thu tác quyền âm nhạc của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC). Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, việc thu phí bản quyền chỉ thực hiện khi có mục đích thương mại. "Việc thu phí vừa rồi là có cơ sở, tuy nhiên cách thu, hình thức thu đang có một số vấn đề, thu thế nào, ai ủy quyền, mức thu thỏa thuận chưa? Chính vì vậy, sau đó đã yêu cầu phải dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu đã ổn chưa", ông Thiện nói. Cuối tháng 5 vừa qua, trong trong cuộc làm việc giữa VCPMC và Bộ VHTTDL, ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cũng đã đồng ý tạm dừng việc thu tác quyền đối với tivi trong phòng khách sạn và quán cà phê. Thế nhưng, thông tin mà phóng viên cập nhật, VCPMC lại vừa cập nhật trên trang web của đơn vị một biểu giá có tên "Mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc". Trong đó, hiện có cả giá thu phí tác quyền đối với bãi đậu xe, trung tâm sức khỏe...

Sáng nay, 14-6, Quốc hội sẽ dành 65 phút đầu giờ để Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu. 

 

Tính đến hết ngày 12- 6, đã có 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn đại biểu Quốc hội được tổng hợp từ ý kiến của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Đây là những cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội lựa chọn những vấn đề chất vấn.

TTXVN- Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
quoc hoi