31/03/2017 - 10:19

“Một ngày làm nông dân”

Đó là chương trình trải nghiệm do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với một số trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố tổ chức. Tạm gác chuyện học hành, bài vở, cởi chiếc áo trắng, cặp da, các em hóa thân thành những bác nông dân thực thụ, hòa cùng cuộc sống nhà nông.

Mới hơn 7 giờ một sớm thứ bảy, mương liếp của nhà vườn ở Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) rộn vang tiếng nói cười của hàng trăm em học sinh, giáo sinh, giáo viên của Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Ninh Kiều). Trong những bộ bà ba thôn quê chất phác, mọi người ngụp lặn dưới bùn sình để tát mương bắt cá. Mỗi khi có ai bắt dính con cá lóc, cá rô phi hay chỉ là những con cá sặt nhỏ cũng giơ cao khoe "thành tích", quên chuyện thân thể, tóc tai đã bị "nhuộm bùn". Cầm con cá lóc to đang quẫy đuôi vừa bắt được, em Bảo Quí Tính, học sinh lớp 8A3, hồ hởi: "Đây là lần đầu tiên trong đời em bắt dính con cá bự như vầy. Cảm giác sướng không thể tả!". Vui nhất là các nữ giáo sinh, nữ học sinh cũng không ngại chuyện lấm lem, hết mình thi tài cùng "phái mạnh". Em Trần Phương Vy, học sinh lớp 8A2, nói: "Có lẽ đây là lần đầu em được dơ cỡ này, nhưng quá vui luôn! Chuyến đi này thật ý nghĩa với em".

Học sinh hào hứng tát mương bắt cá.

Bên mương liếp đối diện, một nhóm học sinh thi nhau tát mương bằng gàu dai. Nông cụ "gàu dai" dù đã được nghe rất nhiều lần trong ca dao, tục ngữ như: "Ruộng thấp đóng một gàu dai/ Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng", nhưng lần đầu các em được tận tay cầm và thao tác. Những thao tác vụng về khiến nước văng tung tóe, đôi khi có em xém té nhào xuống mương. Một nhóm bạn khác lại thi trò bắt vịt, hay dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương, các em được nướng bánh kẹp, hái rau trong vườn… Những trải nghiệm mà học sinh thành thị không dễ gì có được.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, cán bộ Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết, đây là năm thứ 2 chương trình "Một ngày làm nông dân" được triển khai đến một số trường trên địa bàn thành phố như THPT Nguyễn Việt Hồng, THCS Huỳnh Thúc Kháng, THCS Trần Hưng Đạo… thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Đa phần các em lớn lên ở thành thị, quen cảnh phố xá nên những chuyến "về vườn", cùng ăn, cùng làm với người dân quê trở nên lạ lẫm và đầy hứng thú. "Quan trọng là chúng tôi muốn khơi dậy giá trị văn hóa miệt vườn, tình yêu lao động để các em cảm nhận và trân quý. Người thuyết minh cần tạo cho các em cảm giác gần gũi, thân thiện và nhất là tạo được sự hứng khởi, tương tác cho các em, khiến các em xông xáo tham gia", chị Hoàng Oanh nói.

Cô Lê Thị Thúy, giáo viên Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết đây là lần đầu tiên nhà trường phối hợp với Bảo tàng TP Cần Thơ cho học sinh trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" và được các em đón nhận nồng nhiệt. Thành công của lần trải nghiệm này là giúp học sinh hiểu hơn về giá trị và thành quả lao động của người nông dân. Cô Thúy thông tin thêm, Trường THCS Trần Hưng Đạo là đơn vị được Hội đồng Đội quận Ninh Kiều chọn thí điểm chương trình "Học từ thiên nhiên" và việc cho các em trải nghiệm cuộc sống nhà nông là cách làm thiết thực. Đó là những bài học ngoài trường lớp, thực tiễn sống động với mục đích cuối cùng là nâng cao kỹ năng sống cho tuổi trẻ.

"Một ngày làm nông dân" là sáng kiến hay của Bảo tàng TP Cần Thơ sau hàng loạt các hoạt động đưa di sản vào trường học như cho học sinh trải nghiệm làng nghề, em tập làm thuyết minh viên, tiết học lịch sử tại Bảo tàng, giới thiệu di sản cho giới trẻ các địa phương… Hiện nay, nhiều người vẫn than phiền giới trẻ được "ăn trắng mặc trơn", thiếu kỹ năng sống, chưa hiểu hết giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lao động. Những mô hình của Bảo tàng TP Cần Thơ thực hiện thành công vừa qua đã phần nào giải bài toán đó. Những hoạt động ngoại khóa ấy không đơn thuần chỉ là "vừa học vừa chơi" mà qua đó, di sản, văn hóa truyền thống sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em, hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết