05/11/2020 - 08:14

“Mở lối” cho kinh tế số 

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng nổ toàn cầu, trong khi các mô hình kinh tế truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đình trệ, thì nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử lại vươn lên phát triển mạnh mẽ. Kết quả này tiếp tục khẳng định tính ưu việt của phát triển kinh tế trên nền tảng số. Tuy nhiên, để kinh tế số phát triển và bứt phá rất cần sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước với các cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp trong “trạng thái bình thường mới”.

Hoạt động trải nghiệm của du khách được quảng bá trên website của Làng du lịch Mỹ Khánh.

►Trên đà tăng trưởng

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lệnh giãn cách xã hội từ Chính phủ, thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người Việt thay đổi. Ðây là môi trường thuận lợi để nền kinh tế số phát triển. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhanh chóng chuyển đổi số để thích nghi và phát triển.

Nói đến kinh tế số không thể không đề cập đến hoạt động thương mại điện tử. Bởi nó ngày càng trở nên phổ biến và trở thành kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định: Trong khó khăn chung do dịch COVID-19 mang lại, một số yếu tố tích cực đã xuất hiện và góp phần tạo ra bước đột phá của thương mại điện tử. Thứ nhất, là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, họ có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Thứ hai, các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số và tham gia sâu hơn vào kinh doanh trực tuyến. Thứ ba, thanh toán trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ. Thứ tư, các doanh nghiệp logistics, chuyển phát và hoàn tất đơn hàng tiếp tục gắn bó hơn với các nhà bán hàng trực tuyến. Cả bốn yếu tố này kết hợp cùng nhau tạo ra sự cộng hưởng cho sự phát triển tiếp theo của thương mại điện tử.

Chuyển đổi số không chỉ thể hiện ở hoạt động thương mại điện tử mà còn có cả du lịch. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho biết: Du lịch trực tuyến phát triển mạnh trên thế giới cùng với sự bùng nổ của công nghệ số đang làm thay đổi có tính bước ngoặt đối với hoạt động du lịch trên toàn cầu. Du lịch trực tuyến ở Việt Nam tăng trưởng nhanh trong mấy năm gần đây thông qua việc giới thiệu ứng dụng di động tích hợp đặt phòng khách sạn, vé tàu xe, tự động gợi ý gói du lịch thông minh trong khoảng thời gian khởi hành căn cứ vào yêu cầu của khách hàng và cung cấp thông tin du lịch cho khách. Trong lĩnh vực lưu trú du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế như Agoda.com, Booking.com, Hotels.com, Airbnb.com.vn đang thống trị thị trường đặt phòng ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt nhận thấy tiềm năng lớn nên đã thiết lập các sàn giao dịch đặt phòng trực tuyến như Gotadi.com, Chudu.com, Ivivu.com, Mytour.vn, Vntrip.vn, Luxstay, Go2Joy, trong số đó một số sàn đã thành công trong việc gọi vốn nước ngoài.

Nhiều tiềm năng

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần có chính sách cởi mở để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các nền tảng, bao gồm cả nền tảng giao dịch và nền tảng công nghệ. Các hiệp định thương mại tự do thông thoáng như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bước đầu tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các nền tảng số. Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng để thu hút nguồn lực từ nước ngoài. Song song đó, cần chú trọng đến việc đa dạng hóa nguồn vốn để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài nước nhất định.

TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Du lịch trực tuyến nước ta còn thiếu sự liên kết, tích hợp dữ liệu toàn ngành để tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh. Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất để phát triển du lịch trực tuyến là năng lực sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của chúng ta còn yếu. Vì vậy, chúng ta cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có khả năng về công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho công nghệ thông tin để áp dụng trong kinh doanh và marketing du lịch. Song song đó, tiến hành tích hợp dữ liệu về khách hàng, đối tác, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ và số hóa dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; tăng cường tổ chức các diễn đàn phát triển các mô hình du lịch trực tuyến”.

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao đối với chuyển đổi số quốc gia và phát triển thương mại điện tử. Tháng 5-2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QÐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến là 25% và doanh số năm 2025 đạt 35 tỉ USD; Việt Nam đứng trong nhóm ba nước dẫn đầu về thương mại điện tử ở Ðông Nam Á. Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, cân bằng và bền vững nhất thiết phải thu hẹp khoảng cách số giữa TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các địa phương khác. Thực tiễn cho thấy việc lan tỏa thương mại điện tử trước hết phải tới các doanh nghiệp ở thành phố, tỉnh lỵ, sau đó tiếp tục tới các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong chuỗi cung ứng. Song song đó, Nhà nước cần ban hành cơ chế cụ thể, đơn giản, khả thi để phát triển kinh tế số; khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo kinh doanh trực tuyến…

Theo VECOM, kể từ năm 2016 thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 30%. Mức tăng trưởng này cao hơn so với các năm trước và ở mức cao so với khu vực ASEAN và thế giới. Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%. Trong năm 2019, tỷ lệ người dân sử dụng Internet của nước ta là 66%, trong đó, có 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến; quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỉ USD.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết