03/01/2021 - 08:32

“Liều thuốc” mạnh hơn cho doanh nghiệp 

Năm 2020, trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Khó khăn bủa vây DN, nhiều chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đứt gãy, xuất khẩu ách đầu ra do tác động của đại dịch COVID-19. Có thể nói, đây là năm “sức khỏe” của DN suy kiệt nhất và hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng, thu ngân sách nhà nước sụt giảm, bội chi tăng. Năm 2021, nhiều dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn, nhờ các nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng để phục hồi “sức khỏe” cho DN tốt hơn, vẫn cần “liều thuốc” mạnh từ cơ chế, chính sách.

Năm qua, lúa gạo là mặt hàng có thị trường khá tốt. Trong ảnh: Ðóng gói gạo tại một DN xuất khẩu ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: V.CÔNG    

Vượt cú sốc COVID-19

Năm qua, dịch COVID-19 đã gây ra cú sốc lớn, làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Tuy không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng Việt Nam thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng năm 2020 cao nhất thế giới. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh, nhưng vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2020 đạt kỷ lục với 41,25 tỉ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp năm qua tăng 3,36% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.059,8 ngàn tỉ đồng, tăng 2,6% so với năm trước…

Mặc dù trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường, nhưng lại có 14.900 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2020 gần 5.577,6 ngàn tỉ đồng, tăng 39,3% so với năm trước. Ðây là điểm sáng cho một năm đầy thách thức. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2020, DN đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng phải nói là doanh nhân rất kiên cường. Dù một số DN không vượt qua được, nhưng phần lớn vẫn có cách để duy trì cơ sở kinh doanh. Nhiều biện pháp đã được sử dụng, ví dụ như tạm thời làm công việc khác có thu nhập ngay lập tức, giảm bớt diện tích thuê văn phòng, giảm bớt hoặc chia ca làm việc của nhân viên lại để duy trì nhân sự của DN với mức  thu nhập tạm thời giảm”.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, nên tỷ lệ giải ngân vốn 12 tháng đạt 82,8%, tăng cao so với các năm trước. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được khởi công. Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Có thể thấy sự chuyển động đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và nỗ lực vượt khó của DN đã tạo nên những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế trong đại dịch.

Hy vọng 2021

Trong khó khăn, nông nghiệp tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2,55%, chỉ thấp hơn các năm 2011, 2012 và năm 2018; công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 3,98%; dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,34% so với năm 2019. Xuất siêu ở mức kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Các chính sách của Trung ương và sự quyết liệt triển khai của các bộ, ngành, địa phương đã tiếp thêm động lực cho DN tái khởi động sản xuất kinh doanh, tìm thị trường mới. Và năm qua cũng ghi nhận sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế.

Năm qua, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước đạt 11%, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5%-2%/năm để hỗ trợ DN khôi phục và duy trì sản xuất. Mặt bằng lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Ðịnh hướng năm 2021, tăng trưởng tín dụng khoảng 12%; Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2021, chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch kinh doanh năm phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nêu tại Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố cao hơn trung bình toàn quốc. Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ, cho vay trung dài hạn cho DN và người dân”. Song song đó, chỉ đạo ngân hàng thương mại tổ chức kết nối ngân hàng - DN thường xuyên, hiệu quả hơn. Tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, trong giai đoạn “bình thường mới” của năm 2021, chưa biết chắc đại dịch diễn biến ra sao, vì thế mọi hoạt động của DN cần hết sức thận trọng, không nên bung ra sớm. Ðối tượng của DN là người tiêu dùng. Qua đợt COVID-19, hành vi của người tiêu dùng có thay đổi, DN phải xem xét sự thay đổi này để có phương pháp tiếp cận và bán hàng. Ðồng thời rút kinh nghiệm của năm 2020, DN cần có chiến lược quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi khi cần. Hiệp hội DN TP Cần Thơ sẽ tiếp tục liên kết với nhiều tổ chức và Hiệp hội DN trong, ngoài nước để làm cầu nối giao thương cho DN thành phố.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết