Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
“Ðành thôi đứt sợi tơ mành
Bậu ôm cây đờn độc để dành
phiêu diêu”
Không ai nhớ rõ Út Miệt Vườn bỏ chợ nổi đi từ hồi nào, chỉ nhớ một buổi chiều gió lộng, ông Tư ra đứng ở mũi ghe chợt phát hiện tiếng đờn của chị Út Miệt Vườn không còn vẳng lên giữa sông nước. Ông Tư hỏi chị Ba, chị Ba khều tay cô Sáu hủ tiếu… nhưng không ai biết. Ai đó nói khẽ: “Chắc Út Miệt Vườn về thăm họ hàng, Tết nhứt tới nơi rồi”.
Nhưng ngày qua ngày lại, người chợ nổi vẫn không thấy chị Út Miệt Vườn quay trở lại. Cái chợ tự nhiên mà buồn, mà thiếu vắng. Ai cũng nhớ Út Miệt Vườn. Lạ thiệt! Toàn người tứ xứ đi sông dài đất rộng mỏi chân chọn chợ nổi làm chốn mưu sinh, vậy mà vẫn đau đáu nhớ nhau khi xa cách. Ông Tư hay ra ngồi ngoài mũi ghe trong bóng hoàng hôn in màu đỏ xuống lòng sông sóng sánh nước, vừa nhắc: “Út Miệt Vườn đi lâu quá! Nhớ tiếng đờn, giọng ca của Út quá”. Thật ra thì không phải chỉ có Út Miệt Vườn biết hát. Thi thoảng cũng có vài người tụ tập trên một chiếc ghe rộng, mở karaoke hát inh ỏi. Nhưng họ hát toàn những bài mà ông Tư, chị Ba, cô Sáu... thấy xa lạ quá, không cảm nổi.
Từ hồi Út Miệt Vườn bỏ chợ nổi mà đi, chiếc ghe của Út neo lại ở một góc chợ, cạnh bờ. Sóng nước mỗi ngày vẫn bập bềnh, ghe của Út chòng chành. Hồi trước ghe ông Tư cũng hay đậu gần ghe Út. Mỗi lần nhìn Út ngồi trước mũi ghe, cây đờn tranh đặt trên đùi, những ngón tay dìu dặt theo điệu khúc, mái tóc xòa qua một bên, ông Tư lại nhớ con gái đã bị nước cuốn trôi trong mùa mưa lũ năm nào. Con gái của ông Tư cũng yêu đờn ca tài tử, cũng rành hò, xự, xang, xê, cống… Ðôi lúc ông Tư nghĩ tình yêu đờn ca tài tử như mạch nguồn nối liền không đứt quãng, truyền từ tía của ông đến ông, rồi sang con gái. Nhưng từ khi con gái mất tích, ông Tư đã cất những ngón đờn vào ký ức, lênh đênh trên sông để tìm con, mong ngày đoàn tụ. Lúc Út đến chợ nổi, ông mới đờn trở lại một vài lần cùng Út.
Út Miệt Vườn rời chợ nổi khi nào không ai nhớ rõ, mà hồi Út đến với chợ nổi cũng không ai hay. Một sáng, khi những ghe chở bông vạn thọ và cúc vàng, dưa hấu, hàng bông tấp nập cặp chợ nổi chờ Tết, bỗng nghe có tiếng đờn bật lên và gắn bó với chợ nổi từ đó. Có anh hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn khách trong sớm mai đầy nắng, nghe Út Miệt Vườn đờn, sinh tình mà đọc lên câu thơ:
“Ai về chợ nổi Cái Răng thì về
Tìm em treo bẹo duyên thề năm xưa…”
Út Miệt Vườn đỏ mặt bỏ mũi ghe, vào trong ngồi. Khói trắng nồi cơm lửng lơ bay lên từ lái ghe của Út.
*
* *
Tết năm nào Út cũng biểu diễn đờn ca tài tử trên chiếc ghe của mình phục vụ người chợ nổi và du khách. Khi thì Út vừa đờn vừa hát, cũng có khi ông Tư đờn cho Út hát. Mấy chiếc tàu chở khách du lịch thường ngưng lại chỗ ghe của Út, du khách vỗ tay rần rần. Út Miệt Vườn thấy mình như một nghệ sĩ thực thụ. Ngày trước Út cũng là nghệ sĩ, cũng hát cho đoàn nọ, đoàn kia. Một ngày Út đang ngồi ngoài bến sông tập đờn khúc “Hành vân” thì bà bầu bước đến nói với Út:
- Em học thêm nhạc trẻ đi. Giờ ít ai nghe mấy bài bản xưa quá rồi...
Út Miệt Vườn không cãi lại, nhưng cũng hứa là sẽ học nhạc trẻ. Ðêm hôm đó Út không được biểu diễn. Bà bầu đang ép Út. Nhưng Út làm sao bỏ được đờn ca đã được ba chân truyền cho Út. Út Miệt Vườn rời khỏi đoàn hát khi bà bầu tuyển được một nhóm nhạc hip-hop. Út đi, một thân, một cái túi, mấy cây đờn. Ðến chợ nổi này, thấy cảnh sông nước hữu tình, nhịp sống hối hả nhưng người ta vẫn giữ hồn cốt xưa, nên Út ở lại. Út hạnh phúc vô cùng khi tiếng đờn lời ca của Út có người thưởng thức, còn góp phần làm cảnh sắc chợ nổi thêm thu hút du khách tấp nập.
Nhưng rồi một ngày Út nhận ra chợ nổi cũng thay đổi. Ven sông nhà tường mọc lên chen chúc. Nhiều người bỏ ghe lên bờ. Với Út chợ nổi chỉ đẹp khi thấp thoáng trong sương mai là những chiếc ghe màu nâu trầm bập bềnh trên sóng trắng. Út lo lắng, nhất là khi cô Sáu hủ tiếu tâm sự trong một chiều bảng lảng khói sóng trên sông: “Chắc Tết này cô Sáu thôi nghề bán hủ tiếu trên ghe này. Cô có tuổi rồi, sống trên sông bấp bênh quá”. Ông Tư thì bám trụ vì hy vọng: “Chờ con gái đi qua đây, nó thấy, cha con sum họp”.
Nếu một ngày chợ này, sông này không còn chỗ cho đờn ca tài tử nữa, vậy Út Miệt Vườn sẽ đi đâu? Út chợt hoảng hốt và lẳng lặng rời đi, thầm nghĩ đi để giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ về chợ nổi. Chớ nghĩ đến lục chợ tan, mình Út chơ vơ ở đây Út chịu không nổi.
*
* *
Chiều xuân, Út về lại chợ nổi. Thấy bóng Út trên ghe, vẫn như in một buổi mùa xuân năm nào Út đột ngột xuất hiện. Ông Tư mừng rỡ:
- Bà con ơi, Út Miệt Vườn về chợ nổi rồi nè!
Người chợ nổi từ ghe chở đủ sắc màu bông đồng tiền và vạn thọ, ghe bầu, ghe khóm, ghe dưa hấu... đều vây lại mừng Út. Nghe mọi người hỏi thăm mấy nay đi đâu, Út đâu dám nói ra cái suy nghĩ bất chợt lúc trước. Út nghĩ kỹ rồi, Út Miệt Vườn sẽ không rời chợ nổi nữa. Cho dù cô Sáu rời chợ nổi lên bờ, thì Út cũng sẽ phụ giúp cô việc rời sông để an cư. Bởi việc chọn gắn bó với một nơi nào đó sẽ thay đổi khi người ta bước đến những giai đoạn nhất định của cuộc đời. Còn Út Miệt Vườn đã chọn sẽ tiếp tục đờn ca trên chợ nổi, vì giờ đây vẫn còn nhiều người thích nghe Út hát. Út sẽ dùng ngón đờn, tiếng hát của mình giữ chợ nổi dài lâu.
Chiều xuân, út Miệt Vườn lại đờn ca trước mũi ghe. Trong nắng chiều, cành mai khẽ rụng vài cánh hoa vàng trôi lênh đênh trên mặt sông rồi hòa vào cánh sóng. Tự dưng ông Tư thấy Út Miệt Vườn giống con gái của ông quá chừng...