27/05/2023 - 08:29

“Ðiểm tựa” an sinh cho người nghỉ hưu 

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm, kịp thời ban hành các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương hưu. Do vậy, mọi người hoàn toàn có thể yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí - “điểm tựa” an sinh vững chắc khi về già.

Nhân viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT ở quận Bình Thủy tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH, BHYT.

Bà Nguyễn Thanh Tâm ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, tham gia BHXH tự nguyện được hơn 2 năm. Bà Tâm nói: “Trước đây, tôi làm công nhân, có tham gia BHXH bắt buộc được 6 năm. Sau đó, tôi nghỉ việc, về nhà buôn bán. Được cán bộ địa phương, ngành BHXH tuyên truyền, vận động, tôi quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí”. Bà Trần Thị Phương ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: “5 năm nay, tôi nhận lương hưu hằng tháng với mức hưởng hơn 5 triệu đồng. Qua đó, tôi có thể trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, không là gánh nặng cho con, cháu”.

Trên thực tế, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH, nhằm đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Từ năm 2016-2022, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.

Giai đoạn năm 2016-2022, cả nước đã giải quyết cho gần 763.000 người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109.000 người); trong đó, có khoảng 420.000 người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí. Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng, với gần 1,9 triệu người - chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước. Nhiều trường hợp được hưởng mức lương hưu cao do quá trình tham gia BHXH có mức tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao (theo quy định, người lao động được đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở từng thời kỳ). Theo thống kê, hiện người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH. Ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do quỹ BHYT chi trả, với mức hưởng là 95%.

Hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Trước thực trạng này, Dự thảo Luật BHXH đã sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện…

Chia sẻ bài viết