27/06/2018 - 07:56

[Hậu Giang] Tạo động lực thu hút đầu tư 

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 70% và người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, Hậu Giang  định hướng tập trung mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến trong nông nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư đô thị, y tế, môi trường, du lịch… Tại hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp quý II-2018, chính quyền tỉnh Hậu Giang bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm hợp tác, đầu tư, chia sẻ, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu cảng số 1 của Vinalines Hậu Giang phục vụ yêu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: MINH HUYỀN
Cầu cảng số 1 của Vinalines Hậu Giang phục vụ yêu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: MINH HUYỀN

Tạo lợi thế 

Tỉnh Hậu Giang hiện có 4.935 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 46.511 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 310 dự án đầu tư với 262 dự án ngoài khu công nghiệp và 48 dự án trong khu công nghiệp; tổng mức đầu tư các dự án trên 121.170 tỉ đồng. Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp (diện tích 492,79ha) và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200ha, 7 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (diện tích 492,5ha). Nhờ sự năng động của chính quyền tỉnh và những chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư vào địa bàn khó khăn đã góp phần giúp Hậu Giang mời gọi được nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tỉnh thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư (theo Luật đầu tư) với 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Vì thế, chính sách ưu đãi đầu tư rất cao. Cụ thể là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới; miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước ít nhất 11 năm kể từ ngày dự án đi vào hoạt động… Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng thêm các chính sách như: miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Hậu Giang là địa phương không có nhiều lợi thế cạnh tranh, không có nhiều ưu thế để thu hút đầu tư so với các địa phương khác. Vì thế, tỉnh quyết tâm tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi thế trong thu hút đầu tư và tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp bằng chính sự nỗ lực của mình. Mỗi đồng vốn đầu tư vào tỉnh Hậu Giang không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ, động viên để cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Hậu Giang.

Đồng hành cùng nhà đầu tư

  Ông Lê Tiến  Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ; rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, kịp thời kiến nghị loại bỏ những thủ tục phức tạp, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ gắn công tác hỗ trợ, doanh nghiệp với công tác thi đua, khen thưởng, đơn vị nào để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phản ánh về thái độ phục vụ, hỗ trợ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và xếp hạng thi đua, khen thưởng của đơn vị đó. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh.

Dù không có nhiều lợi thế cạnh tranh song Hậu Giang đang dần phát huy thế mạnh về nông nghiệp và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, chia sẻ: Hậu Giang là địa bàn nông nghiệp và có nguồn lúa gạo rất dồi dào. Công ty đang liên kết với 1 doanh nghiệp của tỉnh Hậu Giang để đầu tư thêm một nhà máy chế biến ở huyện Long Mỹ. Do đó, công ty rất mong được tỉnh tư vấn về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thủ tục đất đai, thành lập doanh nghiệp để sớm đi vào xây dựng nhà máy trong tháng 7 và có thể tiến hành thu mua, chế biến trong vụ đông xuân 2018-2019.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cho biết: Khó khăn của tỉnh là không có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng từng lúc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư. Để hỗ trợ cho nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát tình hình thực hiện các dự án, qua đó đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, xem xét thu hồi quyết định chủ trương đầu tư các dự án chậm triển khai, triển khai không đúng tiến độ. Rà soát lại tất cả các quy hoạch trên địa bàn, quy hoạch ngành, xóa bỏ quy hoạch không còn phù hợp, công bố các vị trí quy hoạch tiềm năng để kêu gọi dự án đầu tư phù hợp... 

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết