15/03/2016 - 21:06

Đồng bằng sông Cửu Long

“Gồng mình” chống hạn, mặn

Hiện nay, hầu hết các cửa sông vùng ĐBSCL bị nước mặn xâm nhập với ranh giới độ mặn 4g/l vào sâu trong đất liền, đã có gần 200.000ha đất canh tác của 9/13 tỉnh vùng ĐBSCL bị mặn xâm nhập; ước tổng thiệt hại khoảng 245 tỉ đồng. Cùng với việc tích cực triển khai công tác phòng chống, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang quyết liệt tìm các giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn...

Khốc liệt hạn, xâm nhập mặn

Bình luận:
Bình tĩnh, chủ động ứng phó !

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang "hoành hành" ở ĐBSCL. Cùng với đó là sự chủ động quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cùng chung sức, chung lòng với người dân đề ra các giải pháp phòng, chống để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra do thiên tai. (xem tiếp)

Những ngày qua, về các tỉnh vùng ĐBSCL, đi đâu đều nghe mọi người bàn tán lo âu về hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất lịch sử trong vòng 100 năm qua. Chị Lê Kim Yến ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, kể: Hơn tháng trước, con nước lớn bỗng dưng tràn bờ vào sâu mương vườn. Buổi sáng, chị lấy nguồn nước đó tưới cho hơn 1 công bầu chuẩn bị cho trái. Chiều đến, bầu có dấu hiệu héo, từ từ cháy lá và chết dần mấy ngày sau đó. Qua thông tin trên tivi, chị mới biết nguồn nước mặn đã và đang "tấn công", gây nhiều thiệt hại đối với cây trồng của người dân ĐBSCL. "Nước dưới sông bị nhiễm mặn hết rồi. Không thể sử dụng cho tưới tiêu hay tắm giặt nữa. Tôi ở đây hơn chục năm rồi. Chưa có năm nào như năm nay… Cũng may, khi hay tin nước mặn, tôi đã đắp đập tạm giữ nguồn nước ngọt trong vườn nhãn và hạn chế tưới nước. Nếu tưới ngay nước mặn, thì không biết mấy công nhãn của gia đình tôi bây giờ ra sao nữa" – chị Lê Kim Yến nói.

Theo Bộ NN&PTNT, đến đầu tháng 3-2015, có 6 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang đã công bố thiên tai hạn mặn. Công bố mới nhất của Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 9-3, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 200.000ha đất canh tác của 9/13 tỉnh vùng ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang) đã bị mặn xâm nhập ước tổng thiệt hại khoảng 245 tỉ đồng… Tuy nhiên, con số thiệt hại chưa dừng lại, bởi theo dự báo của ngành chức năng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục hoành hành các tỉnh ĐBSCL trong thời gian tới. Dự báo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, trong tháng 3 và tháng 4-2015, diện tích xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL có thể tăng thêm 46.000ha. "Từ trung tuần tháng 3 và đến tháng 4 và tháng 5-2016, hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ hết sức nghiêm trọng. Mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Vì vậy, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ tiếp tục sâu và cao hơn trung bình nhiều năm. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50-70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Vì vậy, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật tin về nguồn nước và xây dựng kế hoạch các giải pháp chống hạn, mặn một cách kịp thời và hiệu quả" – ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo.

Chủ động phòng, chống

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tìm hiểu tình hình hạn mặn trên địa bàn tỉnh
Hậu Giang. Ảnh: MINH HUYỀN

Trước những dự báo tình hình hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác ứng phó. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, ranh mặn 1‰ hầu như đã bao trùm trên phạm vi toàn tỉnh, chiếm 155/164 xã, phường, thị trấn. Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến gay gắt, khốc liệt, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, toàn tỉnh đã có gần 14.000ha lúa đông xuân, trên 500ha rau màu, 13.000 cây hoa, cây cảnh và gần 1.300ha cây ăn trái các loại bị thiệt hại; trên 88.200 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt… "Nếu tình hình nắng nóng, khô hạn còn tiếp tục kéo dài, Bến Tre sẽ gặp rất nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Vì vậy, Bến Tre đề xuất, kiến nghị Trung ương: Sớm triển khai đầu tư dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre với các cống, như: Thủ Cửu, An Hóa, Bến Tren, Bến Rớ, Tân Phú, Cái Quao… Hỗ trợ kinh phí 192 tỉ đồng để thực hiện đầu tư khẩn cấp các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ sản xuất; các công trình đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân và nâng cấp, sửa chữa để bảo vệ tạm vùng cây ăn trái, các cống và nạo vét kênh mương…" – ông Võ Thành Hạo kiến nghị.

Là một trong số ít địa phương ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tuy nhiên TP Cần Thơ đã chủ động trong công tác ứng phó. Ngày 2-3-2016, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm trong thời điểm hiện nay. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn… Hiện nay, TP Cần Thơ tập trung nạo vét kênh mương, các công trình thủy lợi…, đẩy mạnh công tác thủy lợi mùa khô; đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ diện tích lúa đông xuân 2015-2016 và diện tích lúa, rau màu hè thu 2016. "Trên địa bàn TP Cần Thơ, hướng mặn có khả năng xâm nhập vào các tuyến sau: sông Hậu – Cảng Cái Cui; tuyến kinh Cái Sắn – giáp Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ với Tân Hiệp – tỉnh Kiên Giang và tuyến kênh xáng Xà No, huyện Phong Điền... Vì vậy, các địa phương cũng cần chủ động theo dõi diễn biến độ mặn trên các sông để chủ động ứng phó"- ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết.

Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến, vụ hè thu 2016, toàn vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,665 triệu ha, vụ thu đông 900.000ha và vụ mùa khoảng 190.300ha. Vì vậy, nếu không có giải pháp kịp thời thì hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới diện tích sản xuất các vụ nêu trên. PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Nông nghiệp ĐBSCL có thể bị kiệt quệ trong vòng 3 năm tới với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay. Đất cho nông nghiệp, cho sản xuất lương thực sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn… Vì vậy, cần đánh giá độ mặn và ước lượng tốc độ xâm nhập mặn trong 5 năm tới. Từ đó có kế hoạch quy hoạch lại vùng nuôi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo tốc độ xâm nhập mặn… Tuy nhiên, các quy hoạch cần đứng ở góc độ cùng ĐBSCL phát triển, hạn chế biến đổi khí hậu chứ không nên quy hoạch riêng lẻ của một địa phương nào...

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết