16/04/2017 - 16:06

“Đỏ mắt” tìm kịch bản cải lương

Thầy tuồng, soạn giả là những danh xưng trang trọng mà giới nghệ sĩ, người mộ điệu dành cho những tác giả kịch bản cải lương ngót trăm năm qua. Thời hoàng kim, sân khấu cải lương có những soạn giả tài năng như Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, Trần Hữu Trang, Hà Triều- Hoa Phượng, Điêu Huyền, Kiên Giang, Yên Lang, Viễn Châu… Tác phẩm của họ nổi tiếng đến độ, đến tận hôm nay, nhiều người chỉ cần nghe "hơi ca" đã biết tuồng gì, nhân vật nào.

 

 Vở “Tiếng hò sông Hậu” do VTV Cần Thơ dựng lại trong chương trình “Hạt ngọc mùa vàng” được khán giả yêu thích. Ảnh: DUY KHÔI

Vậy nhưng hiện tại, đội ngũ viết kịch bản cải lương "như lá mùa thu". Chỉ có một vài tên tuổi quen thuộc và họ phải có kịch bản liên tục theo đơn đặt hàng của các đoàn cải lương để tham dự các liên hoan, hội diễn. Tại Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp ở Bạc Liêu mới đây, hai phần ba vở diễn tham gia là kịch bản của chỉ… 2 soạn giả. Chính việc sáng tác theo đơn đặt hàng, thời vụ, viết theo sự kiện, mà nhiều vở cải lương chỉ để đi thi rồi thôi chứ chưa đi vào lòng khán giả. Những mô típ cũ, mới xem đoạn đầu đã biết đoạn sau khiến khán giả không mặn mòi. Nhiều người còn ví von kịch bản cải lương bây giờ theo kiểu "kịch nói đâm bài ca". Cố soạn giả Kiên Giang từng tâm sự, việc viết cải lương, sử dụng bài bản, lý… luôn được thầy tuồng cân nhắc kỹ: chỗ nào chêm bản Oán, chỗ nào ca bài Nam… cho phù hợp tâm lý nhân vật. Soi lại bây giờ, khi xem cải lương trên truyền hình, khán giả dễ nhận thấy tình huống kịch hời hợt, có vở từ đầu tới cuối toàn ca bản Oán nghe u sầu nhưng không đồng cảm.

Tình trạng "đói" kịch bản cải lương thể hiện trong bối cảnh các cuộc thi, chương trình thực tế về cải lương nở rộ. Chẳng có kịch bản mới, hay, nên ban tổ chức, thí sinh cứ "Tiếng trống Mê Linh", "Bên cầu dệt lụa"… mà diễn lại. Do sự thiếu hụt cũng như non kém của kịch bản cải lương mới mà khi có đoàn dựng lại vở cũ, người mộ điệu mừng. Điển hình như trong chương trình "Hạt ngọc mùa vàng" do VTV Cần Thơ tổ chức, dựng lại vở "Tiếng hò sông Hậu", "Nửa đời hương phấn", hay gần đây nhất, Nhà hát Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) có kế hoạch dựng vở "Đời cô Lựu", Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) dựng lại "Người ven đô"… đều được công chúng đón đợi.

Không quá lời khi nhận định, cải lương hiện nay đang gặp khó một phần do không có kịch bản hay. Bởi vì cải lương bây giờ cần có những kịch bản bắt đúng tâm tư, cảm xúc của người xem đương thời. Vậy nên, cần có chính sách đào tạo, phát huy khả năng sáng tác kịch bản của các soạn giả, tìm nguồn kế thừa trẻ, triển vọng. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ đủ để người cầm bút an tâm sáng tạo.

Từ trước đến nay, chiến lược bảo tồn cải lương chỉ chăm chăm vào các hội thi, hội diễn, sự so kè huy chương của một số nghệ sĩ, đoàn hát mà bỏ quên lực lượng soạn giả. Phải chăng đã đến thời điểm nhìn lại lực lượng phía sau màn nhung, nhưng lại có vai trò mấu chốt trong chấn hưng cải lương.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết