“Đi cùng Long” (NXB Đà Nẵng, 2023) là tập ký sự của nhà báo Đoàn Hạo Lương viết về những cuộc hành trình lên vùng cao Tây Bắc. Đồng hành cùng anh là Võ Văn Phi Long, sinh năm 1990 - người đã rời phố lên rừng với những dự định tốt đẹp giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số...
Tác giả Đoàn Hạo Lương sinh năm 1980, hiện đang công tác tại Báo Đà Nẵng. Anh quen biết với nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Phi Long qua facebook. Cả hai có dịp gặp gỡ, trò chuyện và anh đã bị thu hút với dự định bỏ phố lên rừng, sinh sống ở bản làng của Long. Tác giả đã có 2 chuyến lên Tây Bắc để ghi lại những việc làm ý nghĩa của Long; đồng thời, kết nối yêu thương bằng những chương trình thiện nguyện ý nghĩa. Hành trình ấy được thể hiện chi tiết trong tập sách dày gần 350 trang, gồm 3 chương, trong đó có 45 ký sự và những chùm ảnh phóng sự theo chủ đề.
Long đã đến xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để thực hiện tâm huyết của mình: giúp đỡ bà con người Mông làm kinh tế bằng các mô hình trồng đào, mận, lê hiệu quả; hướng dẫn bà con cách chăn nuôi dê lấy thịt để các em thiếu niên có việc làm; kết nối giúp tiêu thụ hàng hóa cho người dân vùng cao; vận động quà, quần áo cho bà con nghèo… Dù có muôn vàn khó khăn nhưng chàng trai trẻ không hề nản chí, dần vượt qua mọi trở ngại để thực hiện lý tưởng. Bởi trước đây, Long từng tham gia một số dự án thiện nguyện như: công trình nước sạch, khám và phát thuốc miễn phí, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai và hỗ trợ học đường... Từ đây đã cho Long thêm nghị lực, sự quyết đoán và mong muốn làm một điều gì có ý nghĩa cho cộng đồng khi mình còn trẻ.
Với Long, đó là hoài bão, là lý tưởng sống. Còn với tác giả, khi đi cùng Long, đó không chỉ là hành trình trải nghiệm những điều mới lạ, thú vị mà còn là hành trình kết nối yêu thương. Trong chuyến đi cùng Long vào tháng 10-2022, lần đầu tiên tác giả đã đứng ra thực hiện thành công chuyến thiện nguyện từ Đà Nẵng lên Sìn Hồ. Bằng cách vận động bạn bè, các nhà hảo tâm, anh đã cùng Long chở những phần quà ý nghĩa mang đến với trẻ em và người dân khó khăn ở vùng cao. Dù trong hành trình ấy, chiếc xe tải chở hàng của 2 anh em bị tai nạn lật nhào, may mắn là người và hàng hóa không sao. Tiếp nối những hành trình ý nghĩa này, tác giả đầu tư công sức viết quyển ký sự “Đi cùng Long” để gây quỹ từ thiện cho trẻ em vùng cao.
Bên cạnh câu chuyện đặc biệt của Long, điểm hấp dẫn của sách còn là vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc. Vùng đất địa đầu Tổ quốc đẹp như một bức tranh kỳ vĩ, khoáng đạt và giàu bản sắc văn hóa, hiện lên sống động qua từng trang viết và những bức ảnh của tác giả. Đó là những sắc xuân rực rỡ của hoa cải, hoa mơ, hoa mận; điểm ấn tượng của trang phục phụ nữ vùng cao hay đám cưới người Mông; nét độc đáo kiến trúc nhà trình tường; Tả Lèng mùa nước đổ; sắc màu văn hóa ở chợ phiên San Thàng; ngỡ ngàng trước mùa lúa chín của ruộng bậc thang Mù Cang Chải… Những ngày sống ở đây có lẽ là những ngày đẹp đẽ và hạnh phúc nhất của tác giả. Và khi trở về, anh lúc nào cũng nghĩ mình sẽ trở lại nơi đó sinh sống.
“Kết thúc cũng là lúc bắt đầu” là ký sự cuối cùng của sách, tác giả viết: “Chúng tôi dừng chân ở hành trình này không có nghĩa là kết thúc. Bởi bản thân Long đã là một nguồn năng lượng tích cực và nhân duyên giữa chúng tôi vẫn còn tiếp tục với những chuyến đi mới mang lại những điều ý nghĩa cho bản thân và cuộc đời…” (trang 260). Dù hành trình và những dự định của Long chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng điều đó đã tiếp thêm cho Long, cho tác giả và bạn đọc động lực dấn thân, trải nghiệm, vượt ra khỏi vùng an toàn để làm những điều mình muốn, để tự tin và trưởng thành hơn.
CÁT ĐẰNG