17/06/2017 - 09:44

“Đảo của dân ngụ cư”- Hay mà chưa trọn

Sau thời gian dài tham gia các liên hoan phim (LHP) ở nước ngoài và gặt hái giải thưởng tại LHP Quốc tế AIFAA 2017, "Đảo của dân ngụ cư" ra mắt khán giả Việt Nam vào giữa tháng 6. Tuy đặc sắc trong dàn dựng, hình ảnh, diễn xuất nhưng phim vẫn chưa làm người xem hài lòng bởi cốt truyện thiếu đột phá.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Dàn diễn viên trong phim. 

Có thể nói, xem "Đảo của dân ngụ cư", khán giả cần kiên nhẫn. Nhịp phim chậm, lối kể chuyện thong dong và qua hơn phân nửa thời lượng, kịch tính mới xuất hiện. Bối cảnh phim không rõ thời gian nào, ở đâu nhưng có lẽ cũng cách đây vài chục năm khi không gian chính là một ngôi nhà cổ, với các đồ dùng cũ kỹ, con người sống khép kín và mang nặng tư tưởng phong kiến.

Trong ngôi nhà kinh doanh các món ăn từ thịt dê đó, có 6 người. Ông chủ (Hoàng Phúc) gia trưởng, lạnh lùng, luôn kìm kẹp, kiểm soát vợ con trong tầm mắt. Bà chủ (Ngọc Hiệp) tần tảo, cam chịu với nỗi đau không thể có con. Cô con gái tật nguyền (Ngọc Thanh Tâm) bị nhốt trên gác, cô đơn đến cùng cực, luôn mơ về bầu trời tự do. Cùng 3 người làm: người đàn ông trung niên ít nói theo đạo Hồi (Hoàng Nhân), đồ tể lực điền tính tình cục súc (Nhan Phúc Vinh) và Phước- chàng trai trẻ tò mò, ngây thơ (Phạm Hoàng Phước). Ở đó, mỗi người như một ốc đảo, nhốt mình vào những giấc mơ, những khao khát trần tục của đời người.

Nhẫn nại theo dõi diễn biến, khán giả mong chờ những bùng nổ ở cuối phim, mang lại sự thay đổi cho cuộc đời buồn tẻ của các nhân vật. Do đó, người xem có sự đồng cảm khi người mẹ kế bao che cho con riêng của chồng dan díu với người làm, bởi hai người phụ nữ ấy khao khát có một đứa con, khao khát tự do trong căn nhà ngột ngạt, tù túng. Hay phần nào cảm thông, chia sẻ với Phước khi cậu ta cần có bạn và dần bị cuốn vào sự ham muốn nhục dục của tuổi trẻ.

Ở nơi chật hẹp và bức bí ấy, đạo diễn đã chọn bạo lực và tình dục để giải quyết vấn đề. Đáng ghi nhận là những hình ảnh gai góc và trần trụi ấy được xử lý tinh tế, góp phần làm bật được bản năng con người cũng như tạo được cao trào, kịch tính cho câu chuyện. Ngoài ra, những hình ảnh ẩn dụ mang tính biểu tượng trong phim cũng được trau chuốt và khai thác kỹ với những góc quay sắc, đẹp. Diễn xuất của dàn diễn viên là một trong những điểm mạnh, tạo điểm nhấn cho phim.

Tuy nhiên, cách kể chuyện không tuyến tính, xen kẽ hiện tại và quá khứ, tập trung quá nhiều vào chi tiết vụn vặt khiến mạch phim dài dòng và rời rạc. Đặc biệt là sau khi chờ đợi, khán giả cảm thấy hụt hẫng với một cái kết bi kịch và không rõ phim muốn nói gì. Nếu là khát vọng tự do thì cần có sự bùng nổ để giải thoát những kìm nén bấy lâu của các nhân vật. Nếu là sự cực đoan cố chấp thì cần đẩy tâm lý của người cha đến tận cùng để người xem có thể thấu cảm với cách cư xử của ông với con gái của mình. Còn nếu là trải nghiệm của cậu trai trẻ tên Phước thì cần cho nhân vật này có hành động cứu vãn tình thế, dù thất bại cũng cho thấy cố gắng. Đằng này, tất cả cảm xúc bị trôi tuột với một cái kết nửa vời và thiếu sự đột phá. Bởi vậy, khi phim hiện lên dòng chữ kết thúc, hầu hết khán giả ồ lên ngỡ ngàng, tiếc nuối cho một phim hay mà chưa trọn.

Dù sao, đây cũng là một bộ phim nghệ thuật đáng ghi nhận của diễn viên Hồng Ánh lần đầu làm đạo diễn. 

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết