23/12/2023 - 17:51

“Cú hích” cho ESL? 

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vừa ra phán quyết rằng UEFA và FIFA đã vi phạm luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu khi cản trở kế hoạch lập giải đấu mới European Super League (ESL).

Người hâm mộ Anh phản đối giải ESL. Ảnh: CNN

“Chúng tôi đã giành quyền cạnh tranh. Sự độc quyền của UEFA đã kết thúc. Bóng đá là miễn phí. Các CLB hiện thoát khỏi mối đe dọa trừng phạt và tự do quyết định tương lai của mình”, Bernd Reichart, Giám đốc điều hành của Công ty A22 Sports Management, phát biểu ngày 21-12, sau phán quyết của ECJ. Nhóm 12 CLB “nổi loạn” đã thành lập A22 Sports Management để thúc đẩy giải đấu mới nhưng hiện nay chỉ còn Barcelona và Real Madrid dẫn đầu. Năm ngoái, nhóm CLB này đã kiện UEFA với cáo buộc vi phạm luật châu Âu khi lạm dụng thế thống trị các giải bóng đá.

Trong khi Barcelona và Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez lập tức ca ngợi phán quyết trên, không đội bóng nào ủng hộ phe này. Phản ứng trước phán quyết, Ban tổ chức giải La Liga của Tây Ban Nha tiếp tục chê ESL là “một mô hình ích kỷ”.

Mặc dù ECJ cho rằng phán quyết “không có nghĩa giải đấu như ESL nhất thiết phải được thông qua”, nhưng sau khi thắng kiện, nhóm sáng lập đã công bố thể thức mới của giải. Giải sẽ có 64 đội tham gia và chia làm 3 hạng đấu. Hạng nhất (Star League) bao gồm 16 đội, chia thành 2 bảng. Hạng nhì (Gold League) cũng có 16 đội, chia thành 2 bảng. Hạng ba (Blue League) gồm 32 đội, chia thành 4 bảng 8 đội. Ông Reichart cũng tiết lộ kế hoạch phát sóng miễn phí tất cả các trận đấu thuộc ESL.

Hai năm sau khi dự án ban đầu đổ vỡ, vào tháng 2-2023 nhóm sáng lập đã công bố dự án mới và vẫn hoạt động bên ngoài phạm vi quản lý của UEFA. Theo đó, 60-80 CLB châu Âu có cơ hội góp mặt ở dự án mới, chia thành nhiều hạng đấu khác nhau, thay vì chỉ 20 đội như trước đây.

Tuy nhiên, rào cản của ESL vẫn đến từ chính phủ và ban tổ chức các giải đấu trong nước. Các CLB Anh khó có khả năng tham gia dự án mới. Sức hút quốc tế và sức mạnh tài chính của giải Ngoại hạng Anh đã tăng trong 2 năm qua. Hơn nữa, Luật Quản lý bóng đá của Chính phủ Anh công bố hồi tháng rồi cũng đã đề xuất các quyền ngăn chặn những đội bóng của nước này nỗ lực tham gia giải đấu “ly khai” trong tương lai. Chính phủ Anh phê phán ESL “cơ bản không có tính cạnh tranh và đe dọa làm suy yếu hình tháp làm bóng đá, đi ngược lại mong muốn của người hâm mộ”.

Khi trình làng ESL, nhóm sáng lập đã hứng chịu chỉ trích từ các cổ động viên ở Anh, Tây Ban Nha và Ý. Dự án này nhằm thay thế hoàn toàn giải Champions League do UEFA điều hành và có nguy cơ làm giảm sức hút thể thao, thương mại của các giải quốc nội.

Phía UEFA lập luận rằng tổ chức này bảo vệ vị trí đặc biệt của thể thao trong xã hội châu Âu bằng cách điều hành các giải đấu theo cấu trúc hình tháp mở rộng đối với tất cả các đội. Champions League mùa này đã có sự góp mặt của CLB Royal Antwerp, đội đã lần đầu vô địch giải quốc gia Bỉ trong 66 năm, và Union Berlin - CLB chỉ mới lên chơi ở giải vô địch quốc gia Đức hồi năm 2019.

Nhóm 12 CLB “nổi loạn” ban đầu gồm Manchester United, Arsenal, Liverpool, Tottenham, Chelsea, Manchester City (đều của Anh), AC Milan, Inter Milan, Juventus (Ý), Atletico Madrid, Barcelona và Real Madrid (Tây Ban Nha).

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết