19/02/2022 - 10:31

Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm vùng ÐBSCL 

Bài, ảnh: T. TRINH

ÐBSCL đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, nhưng hạ tầng giao thông đường bộ đang thiếu và yếu. Tháo gỡ "điểm nghẽn" hạ tầng cho vùng, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường bộ trong vùng. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, hệ thống đường bộ vùng ÐBSCL sẽ được bổ sung những tuyến đường quan trọng, tạo động lực phát huy thế mạnh của vùng…

Giai đoạn 2021-2025, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được thảm bê tông nhựa nâng cấp mặt đường, đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc và kết nối toàn tuyến từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi.

Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư giao thông

Thông tin từ Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025, Bộ triển khai 15 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực Tây Nam Bộ; trong đó, có 6 dự án đang triển khai và 9 dự án đang chuẩn bị
đầu tư.

Về 6 dự án đang triển khai, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết: Có 3 dự án cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và 3 dự án còn vướng một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án cầu Mỹ Thuận 2 nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long cơ bản giải phóng mặt bằng, còn vướng vài hộ tại đường dẫn ở tỉnh Vĩnh Long, địa phương cam kết bàn giao phần còn lại trước 31-3-2022. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã giải phóng mặt bằng 97%, các địa phương cam kết đến cuối tháng 2 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng phần còn lại. Dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên đi qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang đã giải phóng mặt bằng 98%, còn vướng khoảng 3 hộ và tỉnh An Giang cam kết trước 30-3-2022 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Ðối với dự án cầu Rạch Miễu 2, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận gấp rút triển khai gói thầu đường dẫn phía Tiền Giang và Vĩnh Long, phấn đấu khởi công trước ngày 31-3-2022. Dự án quốc lộ 1 đoạn từ Hậu Giang đến Sóc Trăng đã khởi công cuối năm 2021, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 7,1km/19,82km; dự án tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đã bàn giao mặt bằng 10,7km/14,3km và nhà thầu đang thi công theo kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Quang Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025, vùng ÐBSCL đang chuẩn bị đầu tư 9 dự án với tổng mức đầu tư trên 72.000 tỉ đồng. Trong đó có 1 dự án mang tầm quốc gia, 3 dự án nhóm A và 5 dự án nhóm B. Ðơn cử, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng có tổng chiều dài là 188,2km, vốn đầu tư 45.024 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội xem xét vào ngày 15-3-2022. Ðường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua tỉnh Ðồng Tháp và Tiền Giang có chiều dài là 27,4km, tổng mức đầu tư là 6.171 tỉ đồng, dự kiến trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trước ngày 25-4-2022. Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26,16km trước đây đã được Thủ tướng phê duyệt theo hình thức ODA, thời gian thực hiện 5 năm kể từ ngày ký Hiệp định; dự kiến ký Hiệp định vào quý II-2023. Dự án cầu Ðại Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng đi qua tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, tổng chiều dài 15,2km…

Tập trung giải phóng mặt bằng

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, muốn ÐBSCL phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng thì hạ tầng giao thông cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa nội bộ vùng, liên vùng. Vì vậy, việc bố trí vốn cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2025 cho vùng ÐBSCL không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông, mà còn mở ra những "đường băng" để vùng ÐBSCL "cất cánh". Ðể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, các tỉnh, thành trong khu vực ÐBSCL cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và đơn vị liên quan để thực hiện tốt các công trình…

TP Cần Thơ có 4 dự án của Bộ GTVT đang và chuẩn bị triển khai. Cụ thể, dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; dự án cao tốc Bắc Nam phía Ðông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên khối lượng ảnh hưởng mặt bằng trên địa bàn TP Cần Thơ gồm 0,9km tuyến chính và 2km trên quốc lộ 80 hiện hữu chỉ di dời hạ tầng kỹ thuật. Ðịa phương đang tiến hành chi trả, dự kiến hoàn thành bàn giao mặt bằng trong đầu tháng 3-2022. Ðối với các dự án chuẩn bị đầu tư, Sở GTVT phối hợp chặt với các đơn vị của Bộ GTVT xem xét, đóng góp để Bộ GTVT thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi của dự án...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: Theo kết quả quan trắc toàn tuyến quốc lộ 91 đoạn qua An Giang có 27 đoạn cảnh báo sạt lở với chiều dài 80km. Ðây là vấn đề bức xúc ảnh hưởng giao thông và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, tuyến này thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe. Nhằm giảm áp lực giao thông vận tải cho tuyến quốc lộ 91, An Giang kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thành các thủ tục để thực hiện đầu tư đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Về phía địa phương cam kết với Bộ GTVT, ngay sau khi được thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tỉnh phấn đấu thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện bộ máy, củng cố nội lực, có đủ kinh nghiệm quản lý để phối hợp Bộ GTVT thực hiện dự án này.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp chặt chẽ với địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để triển khai các dự án đúng chủ trương đúng tiến độ. Trong đó, tổ chức họp trực tuyến hằng tuần nhằm đánh giá, phối kiểm tiến độ, kết quả thực hiện các dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 có nhiều dự án đang triển khai cho khu vực ÐBSCL và rất cần sự hỗ trợ của các địa phương liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Bởi đây là vấn đề mấu chốt, nếu các địa phương không tập trung sẽ chậm tiến độ, giải ngân vốn không đảm bảo yêu cầu. Chưa có giai đoạn nào như hiện nay, hàng loạt các dự án trọng điểm của vùng được triển khai. Nguồn vốn đã bố trí vốn ổn định, vấn đề hiện nay là các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiệc các dự án giao thông đi qua địa bàn. Lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm theo dõi tiến độ của từng dự án, có chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn kịp thời để đảm bảo tiến độ giải ngân đúng tiến độ như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ...

Chia sẻ bài viết