02/10/2022 - 08:17

Ðảng viên đi trước!
Bài 4: Chăm bồi nâng cao trình độ dân trí, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer 

Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer

Xác định việc học là chìa khóa dẫn đến thành công, đảng viên Sơn Soi luôn quan tâm đến việc học hành của con em ở địa phương. Còn thầy Thạch Sa Phone luôn là tấm gương truyền lửa cho sinh viên giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer.

Anh Soi (bên phải) thường gặp gỡ nhà giáo về hưu, người có uy tín Thạch On để thầy tư vấn về phát triển giáo dục ở địa phương.

“Giáo dục là chìa khóa thành công”

Ngay từ khi tu học ở chùa Hạnh Phúc, tăng, sư Sơn Soi đã xác định việc học là chìa khóa dẫn đến thành công và luôn giữ vững quan điểm đó . Anh Soi nhớ lại: “Do am hiểu tập quán và nói tiếng Khmer tốt, tôi thường hỗ trợ địa phương triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước cho vùng đồng đồng bào dân tộc, nên xã vận động tôi tham gia công tác tại địa phương”. Sau thời gian công tác tại ấp Xuân Minh 2, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, anh Soi được điều động lên công tác tại HÐND xã Trung Thành và từng giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch HÐND xã. Từ năm 2019 đến nay, anh Soi là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Xuân Minh 2.

Thầy Lê Tuấn Kịch, giáo viên Trường THCS Trung Thành, cho biết: “Anh Soi nắm rất chắc địa bàn, nhà nào có con trong độ tuổi đi học, anh biết hết. Mỗi khi đi phúc tra, cập nhật số liệu phổ cập của ấp là có mặt anh. Về công tác phổ cập giáo dục các cấp, chúng tôi hay nói vui “anh Soi là thổ địa”, nên cần thông tin nào cứ hỏi anh”. Ðến từng nhà vận động học sinh ra lớp, anh Soi càng hiểu hơn hoàn cảnh của mỗi hộ, từ đó đề xuất để xã có mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp cho từng người. Chị Thạch Thị Mai ở tuyến đường Kênh Ông Bổn, nói: “Nhờ cậu Sơn Soi giới thiệu mà tôi được hỗ trợ bò để nuôi, tôi đang tích lũy để có đàn bò làm vốn lo cho 2 con ăn học”. Còn chị Thạch Thị Ngọc Xinh ở tuyến đường đê bao, bộc bạch: “Nghe anh Soi nói miết, nên tôi mới cho con đi học. Bây giờ, cháu làm giáo viên tiểu học, dạy ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh”.

Gần gũi, sâu sát với cơ sở, nên anh Soi nhận ra tâm ý của nhiều hộ dân tộc Khmer không muốn cho con học cao vì tốn kém và đôi khi ra trường không tìm được việc làm như ý. Anh Soi trao đổi với vợ: “Mình là đảng viên, phải làm gương, vợ chồng cố gắng lo cho con đi học. Hai con tùy năng lực mà chọn ngành học cho tới nơi tới chốn”. Hiểu tấm lòng cha mẹ, con trai lớn anh Soi là Sơn Công Vinh, sau khi tốt nghiệp ngành Luật, Trường Ðại học Trà Vinh đã về công tác tại UBND xã Trung Thành. Sau thời gian phấn đấu, Vinh được kết nạp Ðảng và hiện là Bí thư Xã đoàn Trung Thành. Con trai út của anh là Sơn Thanh Sang đang học năm 2, Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh. Hỏi về chuyện học của người dân trong ấp, anh Soi kể rành mạch: 2 đứa con nhà anh Sơn Nhựt có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp Ðại học Kinh tế và Sư phạm Mầm non, nhà anh Thạch Của có một đứa làm bác sĩ, 1 đứa làm kỹ sư… “Ðây sẽ là những tấm gương để nhiều hộ trong ấp phấn đấu cho con học tiếp. Trình độ dân trí được nâng lên, vùng đồng bào dân tộc sẽ phát triển hơn” - anh Soi
kỳ vọng.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, nhận xét: “Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, anh Soi luôn cố gắng làm thật tốt các nhiệm vụ liên quan đến giáo dục. Những đảng viên như anh Soi, sâu sát với cơ sở, gần gũi với bà con, nhất là bà con dân tộc sẽ giúp cho phong trào ở địa phương ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần cũng như trình độ dân trí của bà con thay đổi rất tích cực”.

Người thầy tâm huyết với văn hóa truyền thống 

Tốt nghiệp THPT năm 2007, thanh niên Thạch Sa Phone ở xã Ðôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh khăn gói lên TP Hồ Chí Minh, nhưng không phải để học đại học như các bạn cùng trang lứa mà Sa Phone đi làm phụ hồ để đỡ đần gia đình. Suốt hai năm nếm trải mọi cung bậc cảm xúc của người làm thuê xa xứ, Phone vẫn không nguôi hoài bão trở thành thầy giáo. Sa Phone kể: “Sau thời gian làm thuê, tôi về quê, vào chùa tu báo hiếu. Cùng với sự động viên và hỗ trợ của nhà chùa, tôi quyết định chắp cánh lại giấc mơ giảng đường đại học và trúng tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ Văn Khmer Nam bộ của Trường Ðại học Trà Vinh, năm 2009”.

Anh Thạch Sa Phone.

Ngoài thời gian học, anh Sa Phone rất tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa của trường. Yêu văn hóa truyền thống từ nhỏ nên anh tham gia đội văn nghệ, hát, đóng vai hài, tham gia chiến dịch tình nguyện hè… Anh Phone kể: “Với tôi, bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc học là một món quà đáng quý, đáng trân trọng, bởi quá trình làm thuê, tôi từng ao ước được tham gia, nên khi có cơ hội, tôi không ngại khó”.

Thành tích học tập tốt, cộng với sự nhiệt tình trong công tác Ðoàn, năm thứ 3 đại học, Thạch Sa Phone vinh vự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Thạch Sa Phone là sinh viên đầu tiên của Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Ðại học Trà Vinh được kết nạp Ðảng. Năm 2013, Sa Phone được Trường Ðại học Trà Vinh giữ lại trường và phân công công tác tại Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Anh hoàn thành Lớp Cao học Lý luận và Phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn vào năm 2019. Cũng trong năm này, anh được bổ nhiệm vị trí Phó trưởng Bộ môn Sư phạm Ngữ văn Khmer.

Cô Nguyễn Thị Huệ, Trưởng khoa, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, cho biết: “Thầy Phone rất nhiệt tình trong công việc, chúng tôi hay nói vui, khoa thực sự là ngôi nhà thứ hai của thầy bởi đôi khi, thời gian thầy làm việc tại khoa còn nhiều hơn ở nhà”. Còn anh Phone thì chia sẻ: “Tâm nguyện của tôi là bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc nên tôi tham gia rất nhiều dự án: biên soạn bộ từ điển Việt - Khmer và Khmer - Việt (có 84.000 từ); đề tài cấp Bộ “Bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ”; viết bài hát, kịch bản dù kê cho các đoàn nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật Khmer... Ngoài giảng dạy môn Ngữ pháp Khmer, tôi nghĩ các hoạt động trên sẽ góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam bộ, nên tôi dành hầu hết thời gian để hoàn thành tốt công việc”.

Tâm huyết của anh Sa Phone được nhiều thế hệ sinh viên đón nhận và trân quý. Sinh viên Thạch Thị Sô NiTa, ngành Ngôn ngữ Khmer, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, cho biết: “Thầy Phone dạy dễ hiểu, hát rất hay, biểu diễn vai hài rất đạt. Ðặc biệt, thầy am hiểu các làn điệu dân gian Khmer nên thầy dạy luyến, láy khi hát ru rất truyền cảm. Khi sinh viên cần hỗ trợ trong học tập hay trong các hoạt động văn thể, thầy giúp ngay...”.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trong 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi bộ sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, anh Phone đã bồi dưỡng và giới thiệu hơn 20 sinh viên dân tộc Khmer được kết nạp Ðảng. Với anh, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm huyết mà anh mong muốn truyền đạt để tri ân những thế hệ đi trước đã giúp đỡ mình. Anh Phone kỳ vọng các đảng viên sinh viên, sau khi tốt nghiệp sẽ làm tốt vai trò hạt nhân ở những nơi mình công tác.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Nêu cao vai trò đảng viên cao niên là người dân tộc Khmer

Chia sẻ bài viết