27/05/2017 - 17:50

Yêu cầu cấp thiết về quản lý chất lượng không khí

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Môi trường Việt Nam và Tổ chức không khí sạch châu Á, TP Cần Thơ được Chương trình quản lý tổng hợp chất lượng không khí tại châu Á (chương trình IBAQ) hỗ trợ xây dựng "Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí" - viết tắt là CAAP. Kế hoạch sớm triển khai vào thực tế sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu và kiểm soát phát thải khí cho thành phố.

Kế hoạch không khí sạch đầu tiên

Ngày 23-5, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)) phối hợp Tổ chức không khí sạch châu Á (Clean Air Asia) và các bên liên quan tổ chức lễ công bố và bàn giao CAAP cho TP Cần Thơ. Đây là kế hoạch quản lý không khí sạch đầu tiên của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh nhiều thành phố lớn trên thế giới đang báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, sự ra đời của CAAP rất có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững cho thành phố và cần được các bên liên quan triển khai thực hiện ngay vào thực tế.

Khí phát thải từ các phương tiện xe cơ giới được xác định là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại TP Cần Thơ.

CAAP được thực hiện từ 2016 dựa trên các kết quả nghiên cứu và các thông tin, dữ liệu báo cáo hiện trạng môi trường, dữ liệu quan trắc không khí thành phố giai đoạn 2011-2015 và các kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của thành phố. Qua các lần lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan và bổ sung, chỉnh sửa, CAAP được bàn giao cho TP Cần Thơ. CAAP không chỉ xác định được các nguồn phát thải khí, các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu và kiểm soát phát thải khí cho thành phố mà còn cung cấp các định hướng rõ ràng và cụ thể cho UBND TP Cần Thơ, các cơ quan quản lý và các bên liên quan trong việc nâng cao chất lượng không khí cho thành phố. Bà Phan Quỳnh Như, chuyên gia Clean Air Asia, cho biết: "Các giải pháp CAAP nêu ra dựa trên phân tích hiện trạng của TP Cần Thơ trong năm nền 2015, nên có một số dữ liệu mới chưa được cập nhật, nhất là tình hình phát triển nhiệt điện tại ĐBSCL. Song, điều này không quá đáng ngại vì trong quá trình triển khai CAAP vào thực tế, TP Cần Thơ có thể cập nhật thông tin dữ liệu và bổ sung thêm các giải pháp phù hợp".

CAAP xác định, phát thải khí tại TP Cần Thơ có 3 nguồn chủ yếu. Một là nguồn giao thông: gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Thứ 2 là nguồn diện: các công trình xây dựng, cửa hàng vật liệu xây dựng, tiệm sửa xe, tiệm photo, quán ăn hai bên đường, nguồn dân sinh, đốt rơm rạ…Thứ 3 là nguồn điểm: khách sạn, bệnh viện, lò đốt và các cơ sở công nghiệp như chế biến lúa gạo, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia rượu, sắt thép, dược phẩm, thuốc lá, cao su, thuốc trừ sâu, sản xuất gạch, lò đốt rác… Qua đó, CAAP đề ra các giải pháp kiểm soát cụ thể đối với từng nguồn phát thải. Cụ thể như: xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức, hành động cho cán bộ quản lý và người dân; tăng cường nhận thức của nông dân và đưa ra giải pháp thay thế cho hoạt động đốt rơm rạ; nghiên cứu, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ sử dụng than sang sử dụng gas và các loại bếp nấu ăn sạch; tăng cường quản lý giao thông, kiểm tra, kiểm định xe cơ giới, phát triển các phương tiện giao thông công cộng và xe không gây phát thải khí; khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới công nghệ giảm ô nhiễm; tăng cường cơ sở vật chất cho thanh tra, kiểm tra và xứ lý ô nhiễm không khí…

Cần thực hiện ngay

Theo các chuyên gia Clean Air Asia, TP Cần Thơ cần khẩn trương có các hành động để kiểm soát và bảo vệ không khí sạch, bởi chất lượng không khí tại một số nơi đã có dấu hiệu ô nhiễm và mức độ ô nhiễm dự báo có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Các ô nhiễm chủ yếu là do khói, bụi tổng hợp và tiếng ồn. Ông Hồ Quốc Bằng, chuyên gia Clean Air Asia, cho rằng: Nguồn gây ô nhiễm lớn nhất không khí tại thành phố là giao thông và công nghiệp. Theo đó, quận Ninh Kiều và các quận lân cận như: Cái Răng, Bình Thủy là những nơi ô nhiễm nhiều do có mật độ xe cộ đông và có các khu, cụm công nghiệp. Dự báo đến năm 2025, lượng phát thải một số loại khí có thể tăng lên gần 50% và phát thải bụi tăng gần 20% so với hiện nay nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời.

Theo ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, hiện các nguồn gây nhiễm không khí có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc sự quản lý của nhiều sở, ngành và địa phương nên cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Qua đánh giá về hiện trạng và dự báo của các chuyên gia về khả năng tăng ô nhiễm không khí, rõ ràng cần có ngay các giải pháp kiềm chế và giảm thiểu ô nhiễm cho tương lai. Ngành công thương thống nhất với nhiều giải pháp nêu trong CAAP và sẽ phối hợp thực hiện tốt. Thời gian qua, Sở Công thương cũng rất quan tâm đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường; hạn chế phát triển những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong công nghiệp".

Tại lễ công bố và bàn giao CAAP cho TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: UBND thành phố sẽ sớm xem xét phê duyệt, ban hành kế hoạch và có giải pháp tổ chức triển khai thực hiện CAAP hiệu quả.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết