14/03/2018 - 10:34

Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh 

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh về sản lượng và giá trị. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, xuất khẩu sắt thép các loại 2 tháng đầu năm đạt 919.771 tấn, kim ngạch đạt gần 655,3 triệu USD, tăng 39,7% về lượng  và tăng 59,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép đạt hơn 443,2 triệu USD tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng cao về giá trị so với sản lượng cho thấy giá xuất khẩu sắt thép bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Thép Tây Đô đang chuẩn bị đầu tư thêm nhà máy cán thép trong năm 2018 để gia tăng sản lượng và đa dạng sản phẩm. Ảnh: MINH HUYỀN  

Riêng thị trường Hoa kỳ xuất khẩu sắt thép các loại 2 tháng đầu năm đạt 124.573 tấn, tăng 106% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,5% tổng sản lượng xuất khẩu, đạt kim ngạch hơn 104,2 triệu USD, tăng 115,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15,9% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép vào thị trường Hoa kỳ đạt gần 73,7 triệu USD, tăng gần 38,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 16,6% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này. Qua phân tích số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá xuất khẩu sắt thép bình quân của thị trường Hoa Kỳ 2 tháng đầu năm đạt 836,7 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá bình quân chung của thị trường (712,45 USD/tấn), tăng 39,4USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 2 tháng đầu năm, các thành viên của VSA sản xuất sản phẩm thép các loại đạt 3.690.915 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 728.480 tấn, tăng 38,6%, bán trong nước 3.014.552 tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 1-2018, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của VSA với 67% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu, trong khi thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm gần 11,3%.

VSA cũng bày tỏ lo ngại biến động giá nguyên liệu sản xuất thép trên thị trường thế giới trong tuần đầu tháng 3 đã có tác động ảnh hưởng tới sản xuất thép trong nước.

Theo đó, giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB)  ngày 6-3-2018 khoảng 200 USD/tấn, tăng khoảng 10-15 USD/tấn so với đầu tháng 2-2018 và tăng khoảng 50 – 60 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2017. Giá thép phế liệu HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ngày 6-3-2018 ở mức 370-380 USD/tấn (giá CIF), tăng cao trở lại so với hồi đầu tháng 1-2018 và tăng khoảng 20-25 USD/tấn so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, giá thép phế liệu đã tăng khoảng 100 USD/tấn. Giá than điện cực vẫn ở mức cao do nguồn cung chưa được cải thiện nhiều, khoảng 20.000-25.000 USD/tấn (giá trong tháng 2-2018). Giá phôi thép ngày 6-3-2018 ở mức 563-565 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn so với đầu tháng 2-2018, tăng 30 USD/tấn so với đầu năm 2018.

Liên quan đến thị trường Hoa Kỳ, ngày 8-3-2018, Tổng thống Hoa Kỳ đã ký ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act) dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Phản ứng trước sự kiện trên, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định: Các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam chỉ nhằm mục đích sử dụng cho xây dựng dân dụng không nhằm mục đích sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng hay an ninh quốc phòng và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các nhà sản xuất của Hoa Kỳ. Ngoài ra, lượng nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Hoa Kỳ, do đó sản phẩm thép và nhôm của Việt Nam không thể gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất thép và nhôm của Hoa Kỳ. Chính sách này của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Hoa Kỳ và các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ sử dụng các sản phẩm thép và nhôm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Nhắc lại những nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ xem xét, cân nhắc loại trừ các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam ra khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp do các sản phẩm này không ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và cân nhắc tất cả các phương án xử lý tiếp theo để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

UYÊN KHANH

Chia sẻ bài viết