23/07/2024 - 08:33

Xóm trầu Vĩnh Lộc 

Ít ai biết rằng, tại ấp Vĩnh Lộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) vẫn còn những vườn trầu nép mình bên dòng sông Cái Bé. Vườn trầu cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình các mẹ, các chị. Tảo tần với vườn trầu cũng là cách người dân Vĩnh Lộc giữ lại hình ảnh một góc quê yên bình của vùng đất này.

Phụ nữ ở ấp Vĩnh Lộc bên vườn trầu của gia đình.

Bà Ba Chấn (Nguyễn Thị Chấn, 87 tuổi), người được xem là có công trong việc đem dây trầu từ nơi khác về quê hương Vĩnh Lộc cho bén rễ, tâm sự: “Hồi năm 1990, một người em họ ở Vị Thủy (Hậu Giang) về thăm có đem theo cho tôi dây trầu trồng để “ăn lấy thảo”. Sau đó tôi trồng, gầy giống, lần hồi cũng thành cả vườn trầu. Xóm giềng thấy trồng trầu dễ, lại bán được giá nên tôi biếu mỗi người một ít về trồng. Vậy là tên gọi xóm trầu có luôn từ đó…”.

Vườn trầu bà Ba Chấn nằm trên nền đất khoảng 1.000m2, dưới chân nọc trầu bà trồng thêm rau diếp cá, đu đủ. Bà cười tỏm tẻm: “Những vườn trầu vùng này nối nhau tròm trèm hơn 30 năm. Cứ hết lứa này lại gầy lứa khác. Người trồng, người mua qua ngày này, tháng nọ riết rồi thành quen thân. Trầu hái xong giao cho thương lái ở ngoài thị trấn Giồng Riềng, cách đó chừng vài cây số. Nhiều người cho rằng, có lẽ người dân bám trầu nên dây trầu Vĩnh Lộc cũng không phụ lòng người. Tuy không giàu có nhưng người trồng trầu cũng đủ cái ăn cái mặc, lo cho con cái học hành.

Bà Chín Nhĩ (Trương Thị Nhĩ, 81 tuổi) thì mộc mạc nói: “Trồng trầu dễ ợt, mười ngày thu hoạch lá một lần. Thương lái tới thu mua rồi đem đi khắp nơi. Còn người mua thì mình còn trồng”. Theo các chị, các mẹ ở xóm trầu thì trồng trầu cũng không quá khó, cứ thấy đọt trầu nào mập mạp, mạnh khỏe thì kéo vùi xuống lớp đất xốp của luống trầu, hoặc vớt lục bình dưới sông đắp lên dây trầu, dây trầu bén rễ thì chiết ra đem ốp vào cọc mới. Trầu dễ trồng, lên nhanh và nhẹ công chăm sóc. Do là loại cho lá nên nếu đủ phân, nước, trầu sẽ cho thu hoạch sau 3-4 tháng/lần. Đặc biệt, trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, chứ không thích hợp các loại phân hóa học. Bón bằng rơm hoai mục thì lá trầu mới thon thả và có màu xanh óng ả, vàng đượm trông đẹp mắt, ngon lành.

Nhờ nguồn nước ngọt quanh năm từ con sông Cái Bé cùng với sự có mặt dày đặc của lục bình trên sông chính là điều kiện thuận lợi để vườn trầu sinh sôi, phát triển. Trầu ở đây tính bằng ốp, mỗi ốp trầu có 40 lá trầu vừa chín tới. Giá hiện tại khoảng 1.000-1.200 đồng/ốp bán tại vườn, nếu đem phân phối tại TP Hồ Chí Minh, có giá 2.000 đồng/ốp. Mỗi công đất trồng trầu cho thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Khoảng năm 1998-2000, lúc đó cả xóm nhà nào cũng phất lên nhờ trầu, nhiều người nói vui: “ở Vĩnh Lộc trầu leo tường” để chỉ việc người dân trồng trầu xây nhà tường lúc ấy. Bà Chín Nhĩ kể thêm: “Lúc trước trồng trầu cứ 8 ngày tôi sắm được 1 chỉ vàng, dành dụm rồi cất được căn nhà 18 triệu đồng tương đương 4 cây vàng 24k. Nhưng giờ thì trồng trầu không giàu nhưng không ai trong ấp có ý định bỏ vườn”.

Hiện tại xóm trầu Vĩnh Lộc có khoảng 30 hộ dân chuyên trồng trầu. Nhà nào nhiều nhất cũng 2-3 công tương đương trên 2.000 nọc trầu, người ít nhất cũng nửa công với khoảng 1.200 nọc trầu. Theo bà Năm Bé (Nguyễn Thị Bé), một trong những người trồng trầu lâu đời tại Vĩnh Lộc, hầu hết nhà nào trồng trầu thì phụ nữ nhà ấy đều biết nghề liễn trầu. Liễn có nghĩa xếp những lá trầu thành từng ốp, mỗi ốp 40 lá có giá bán lẻ từ 5.000-6.000 đồng tùy thời điểm. Thợ liễn trầu được trả công theo ngày từ 150.000-200.000 đồng, nhưng cũng có người không mướn thợ liễn như bà Ba Chấn, bởi con gái, con dâu bà ai cũng rành khâu liễn trầu nên “làm vần công” với các chị em khác. Theo những người trồng trầu nơi đây, khi đến lứa hái, bà con sẽ lựa những lá trầu tượt, nằm ở vị trí thứ hai của đọt trầu. Đó là lá trầu vừa vặn nhất, không quá non cũng không quá già. Sau khi hái, chủ vườn sẽ có đợt vô phân, nửa tháng sau lá trầu đọt chừa lại của đợt trước trở thành lá thứ hai do dây trầu tiếp tục đâm thêm chồi mới. Vậy là cứ đến lứa hái lần nữa, lần nữa... và người trồng trầu cứ hái lá bán quanh năm.

Chị Nguyễn Thị Thủy, một lái trầu tại chợ Giồng Riềng, cho biết, do trong tỉnh Kiên Giang chỉ còn lại vài vườn trầu này nên mặt hàng này trở nên hiếm. Có khi chị mua cả tấn lá trầu chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Ở miệt Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) trầu lá tiêu thụ cũng khá vì người dân dùng để cúng bái trong các dịp lễ lạt. Khách du lịch tâm linh đi cúng bái chùa chiền cũng dùng trầu, cau. Vùng nông thôn vẫn còn người ăn trầu, dùng cho đám cưới hỏi, đám giỗ, lễ, Tết. Số nữa là trầu được mang thẳng qua Campuchia tiêu thụ. Có những lúc bạn hàng ở An Giang, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... mua theo đơn đặt hàng cho đám cưới hỏi.

Nhờ có đầu ra khá ổn định, vườn trầu là nguồn thu nhập chính của gia đình các mẹ, các chị ở Vĩnh Lộc. Vườn trầu từ lâu là hình ảnh một góc quê nhà của bà con nơi đây.

Bài, ảnh: AN NAM

 

Chia sẻ bài viết