Đến với thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), du khách thường ghé thăm Tháp Bà PoNagar. Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của tháp cổ, du khách tham quan cầu Xóm Bóng tọa lạc tại đường Hai Tháng Tư, ngay chân Tháp Bà, cách trung tâm thành phố khoảng 2km, tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng nơi đây.
Cầu Xóm Bóng được xây dựng vào năm 1925, năm 1969 cầu cũ bị đập đi và cầu mới được xây nên, nhưng những mống cầu cũ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đây là một cây cầu đúc dài và đẹp bắc qua cửa sông Nha Trang, nằm dưới chân đồi Cù Lao. Du khách sẽ thấy hàng trăm con tàu đậu san sát ven bờ hoặc rải rác đó đây trên sông Cái, phong cảnh đẹp như một bức tranh.
Tháp Bà PoNagar.
Cầu Xóm Bóng gắn liền với Xóm Bóng - tên gọi bắt nguồn từ một tập tục của làng Cù Lao xưa vào các dịp lễ vía cúng Bà - Thánh Mẫu Thiên Y A Na:
“Ai về Xóm Bóng thăm nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà con chăng?
Thế thường tre lụn còn măng
Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành”
Nơi đây xưa kia đào tạo những người múa Bóng rỗi, điệu múa dân gian cổ truyền có từ rất lâu đời ở Việt Nam, thường được thực hành trong các lễ hội dân gian truyền thống và rất thịnh hành ở Trung Nam bộ. Múa Bóng rỗi gắn liền với tục thờ Bà của nhân dân Nam bộ và Nam Trung bộ. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, vũ công múa Bóng áo xiêm rực rỡ; đầu đội mấn, cổ đeo tràng hoa tươi; đèn và hoa đội trên đầu, không vịn, đỡ. Họ múa theo điệu đàn, tiếng trống. Múa Bóng ngày xưa ở Tháp Bà do người ở Xóm Bóng phụ trách. Những nơi dạy múa cũng ở trong xóm. Sau này, múa Bóng lan tỏa tại nhiều vùng ở Nam bộ, tại các lễ hội vía Bà (Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Bà Rá) và các lễ ở các đình chùa, miễu để cầu quốc thái dân an.
Hàng năm, Lễ hội Vía Bà PoNagar - Thiên Y A Na - Mẹ Xứ Sở diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch, tại di tích Tháp Bà PoNagar, thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, long trọng. Nhân dân và khách thập phương đến dâng hương, cầu nguyện nhộn nhịp, đông đúc. Diễn xướng cúng Bà gồm các nghi thức: Hát mời chào, ca tụng Nữ thần, các điệu múa dâng mâm vàng và trình diễn các kỹ năng khác. Múa hát dâng cúng Bà ở cửa đền, cửa miếu. Các trò tạp kỹ như: múa lưỡi siêu, phun lửa, múa dao, đầu bêu, tung hứng... tạo nên không khí náo nhiệt. Những nét tinh hoa, tốt đẹp của tín ngưỡng được thể hiện qua các điệu múa như: múa lộc bình, múa lu, múa dâng hoa, múa gậy…
VIỆT ĐẶNG