19/03/2021 - 10:10

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên 

Việc giải quyết đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp, tiếp cận vốn vay ưu đãi và các cơ chế, chính sách hỗ trợ startup là những chủ đề “nóng” của thanh niên gửi đến lãnh đạo thành phố tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với cán bộ Ðoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu. Chương trình do Sở Nội vụ và Thành đoàn Cần Thơ tổ chức vào chiều 18-3 với chủ đề “Khởi nghiệp và lập nghiệp”.

Chủ trì chương trình gặp gỡ có các đồng chí: Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Trần Thị Vĩnh Nghi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy và anh Ðào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn. Gần 100 “thủ lĩnh” thanh niên, các startup trẻ và thanh niên tiêu biểu trên địa bàn thành phố tham dự.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, trao đổi với cán bộ Ðoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu.

Kết nối dự án, mô hình

Trần An Khánh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng) chia sẻ, trong những năm qua, thành phố đã tổ chức các cuộc thi, sáng kiến khoa học kỹ thuật. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, như: máy tạo nước sạch từ không khí bằng năng lượng điện gió, sản phẩm giám sát bệnh nhân đột quỵ... Những mô hình, giải pháp này chỉ được đánh giá qua các hội thi rồi khi kết thúc, tất cả đều “đâu trở về đó”. Khánh đề nghị thành phố có thể xem xét hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối nhà đầu tư để phát triển thành dự án khởi nghiệp. Trước trăn trở của Khánh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ Trần Ðông Phương An cho biết, thành phố có 3 cuộc thi, gồm: sáng tạo khoa học kỹ thuật; sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng và tin học trẻ. Qua đó, có nhiều mô hình, sáng kiến có tính ứng dụng cao và bước đầu có một số mô hình được nhà đầu tư kết nối phát triển. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận từ một mô hình của cuộc thi, đi ra thực tế còn có quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. “Sắp tới, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ thực tế (hiện đã có sàn giao dịch công nghệ ảo) để kết nối các dự án với nhà đầu tư” - ông Phương An nói.

Anh Khưu Tấn Bửu, chủ dự án “Tranh gạo Tấn Bửu” ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, chia sẻ bên cạnh sự hỗ trợ về quảng bá sản phẩm, ông chủ trẻ trăn trở làm sao để xây dựng tranh gạo thành một làng nghề mới để tạo được sức hút du lịch trải nghiệm cho thành phố. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đánh giá mô hình tranh gạo không chỉ là sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của thành phố, tạo ấn tượng đối với du khách, đồng thời tạo được nhiều việc làm hơn cho người lao động. Theo ông Tuấn, để phát triển dự án lớn hơn, cần hỗ trợ về tài chính thì cần Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho các dự án phát triển du lịch.

Lãnh đạo TP Cần Thơ gặp gỡ với cán bộ, đoàn viên, thanh niên về chủ đề “Khởi nghiệp và lập nghiệp”.

Nhiều bạn trẻ cho rằng rằng việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, đơn cử như: Ngân hàng Chính sách xã hội có gói hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nguồn vốn từ Quỹ này hỗ trợ cho thanh niên có mô hình tự tạo việc làm hoặc thu hút lao động với mức cao nhất là 100 triệu đồng. Còn đối với cơ sở sản xuất mức tối đa được vay 2 tỉ đồng. Dù vậy, một bạn trẻ cho biết mức cho vay cũng còn hạn chế, nhất là lĩnh vực công nghệ cần đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; chưa kể phải vay theo diện hộ gia đình (trong khi đa số thanh niên không phải chủ hộ gia đình). Các startup còn gặp khó về đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chiến lược tiếp thị, cần được ngành chức năng hỗ trợ.

Startup cần gì?

Anh Nguyễn Hữu Huy Hào, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất đất sạch Nguyễn Trần (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chia sẻ, từ năm 2018, anh bắt tay vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và hiện đang đầu tư hơn 10 nhà lưới trồng dưa lưới, với tổng diện tích gần 8ha. Các sản phẩm đều được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài và phân phối ở các siêu thị, nhờ vậy giá cả ổn định, lợi nhuận đạt cao. Anh Hào nói: “Ngoài niềm đam mê, học hỏi liên tục là yêu cầu quan trọng khi khởi nghiệp bởi những kiến thức mới, kinh nghiệm của các startup đi trước sẽ giúp hạn chế rủi ro. Bạn trẻ không nên suy nghĩ ý tưởng nào lớn, ý tưởng nào nhỏ, mà ý tưởng khởi nghiệp có đáp ứng được nhu cầu khách hàng hay không mới có thể tồn tại và phát triển”. Vì vậy, anh khuyên sản phẩm khởi nghiệp cần được liên tục đổi mới, tiếp thu ý kiến khách hàng, kể cả ý kiến trái chiều để sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Quận đoàn Thốt Nốt khảo sát các mô hình kinh tế của thanh niên phường Tân Lộc, nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp thanh niên khởi nghiệp.

Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chân Mây LNG, cho rằng, để khởi nghiệp không chỉ cần học, mà còn cần đề cao chữ tâm. Các startup trẻ cần thay đổi tư duy về khởi nghiệp, không chỉ đơn thuần là bắt đầu một công việc mới, mà công việc ấy còn mang đến giá trị xã hội. Ông ví von chuyện mở quán cà phê hoặc một dịch vụ nào đó nhưng cần chú ý đến phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên văn hóa bản địa. Mỗi startup cần định vị bản thân, thích ứng với sự thay đổi của thị trường, từ đó xác lập mục tiêu dài hạn trong khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình tự do dịch chuyển lao động và Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Thanh niên cần nêu cao tinh thần khát vọng vươn lên, phấn đấu làm giàu cho chính mình, cho gia đình, cho xã hội. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, bản thân thanh niên cần tự trang bị kỹ năng, xác lập mục tiêu khởi nghiệp. Thanh niên cần có tư duy năng động hơn trong nghề nghiệp, như: nghề làm công, nghề làm chủ, nghề làm chuyên gia và xác định bản thân có thế mạnh nào thì mạnh dạn theo hướng đó. Ðể thực hiện được điều này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phải phát huy tốt trách nhiệm trong công tác giáo dục nghề nghiệp, tuyên truyền cho đội ngũ đoàn viên, thanh niên có nhận thức đúng về khởi nghiệp và lập nghiệp. Từ đó, giúp đoàn viên, thanh niên có quyết tâm phấn đấu tốt, chủ động, sáng tạo, vượt khó, mạnh dạn tiếp cận, sử dụng, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến thành công trong khởi nghiệp và lập nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu:

Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức chung của xã hội để thanh niên tham gia học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Các trường đại học, cao đẳng phối hợp Thành đoàn triển khai các chương trình, hoạt động phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Các sở, ngành xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp kết nối các nguồn vốn, quỹ đầu tư để hỗ trợ, tạo điều kiện, trao tặng vốn cho thanh niên khởi nghiệp. Ðồng thời, tăng cường quan tâm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; đánh giá quá trình thực hiện chính sách hiện hành đang được áp dụng để tham mưu, kiến nghị ban hành, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đối với đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố.

Tại chương trình, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã trao Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên thành phố, giai đoạn 2021-2030. Theo đó, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng Ban. Các Phó Trưởng Ban gồm ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ và anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ. Ban có nhiệm vụ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố về công tác thanh niên, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc tổ chức Chương trình phát triển thanh niên thành phố; phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng chế độ, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết