28/01/2021 - 13:16

Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực 

(CTO)- Sáng 28-1, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đã có bài tham luận "Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực". Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận này.

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa Đoàn Chủ tịch

Kính thưa Đại biểu tham dự Đại hội

Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ xin bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung các văn kiện trình Đại hội. Được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch, thay mặt Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ, tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ  về nông nghiệp của quốc gia và khu vực” nhằm góp phần minh họa và làm rõ thêm nội dung phát triển nông nghiệp trong các văn kiện của Đại hội.

Kính thưa Đại hội

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 3,94 triệu héc-ta, chiếm 12% tổng diện tích cả nước; dân số 17,5 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước; là vùng đất màu mỡ, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và thuỷ sản. Đặc biệt, ĐBSCL có một vị trí địa kinh tế và địa chính trị quan trọng vì nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, có lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu và giao thương quốc tế.

Ngành nông nghiệp ĐBSCL đang chiếm 47% diện tích và 55% sản lượng lúa, hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% diện tích và sản lượng thủy sản của cả nước và đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 3%/năm trong giai đoạn   2016 - 2018, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm). Nông nghiệp ĐBSCL đóng góp 34,6% GDP ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP của vùng. Hiện nay, nước ta đang được xếp thứ 4 về sản xuất và thứ 5 về xuất khẩu thủy sản của thế giới; sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Những thành tựu về nông nghiệp ngày nay là một quá trình phát triển  mà vai trò của khoa học - công nghệ (KH-CN) là rất quan trọng. Nhìn lại   lịch sử phát triển của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, từ giai đoạn 1975 - 1986 khi cả nước tập trung phục hồi kinh tế và thiếu lương thực, dịch rầy nâu hoành hành trên lúa ở các tỉnh, tạo ra bối cảnh rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp, Nhà nước chủ trương ĐBSCL phải phát triển sản xuất lúa vì mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Các nhà khoa học từ các viện, trường trong và ngoài vùng ĐBSCL đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho cây lúa theo hướng tiếp cận đa ngành về lai tạo giống mới, cải tiến kỹ thuật canh tác; quản lý, sử dụng đất và nước, mở rộng diện tích, thâm canh và tăng vụ,… đã đem lại thành công rất lớn; từ quốc gia thiếu đói đã trở thành nước xuất khẩu gạo và tiếp tục tăng nhanh trong những năm qua; sản lượng lúa của Vùng đã tăng từ 19 triệu tấn năm 1989 lên khoảng 43 triệu tấn năm 2019, theo đó sản lượng gạo xuất khẩu tăng từ 1,3 triệu tấn lên 6,5 - 7 triệu tấn/năm đạt giá trị xuất khẩu từ khoảng 0,4 tỷ USD lên khoảng 3,2 - 3,5 tỷ USD/năm. Tương tự, ngành kinh tế chủ lực thứ hai của Vùng là thủy sản cũng có sự phát triển nhanh nhờ tác động của KH-CN; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh từ 0,5 triệu tấn năm 1990 lên gần 3 triệu tấn năm 2020, đặc biệt là trong ngành hàng cá tra và tôm nước lợ.

Nông nghiệp của ĐBSCL liên tục đóng góp vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Vùng và cả nước, nhiều lần thực hiện được vai trò là trụ đỡ khi nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng suy giảm, từ 27% (năm 1990) xuống còn 18% (năm 2020). An ninh lương thực và thực phẩm đòi hỏi ngành nông nghiệp phát triển theo định hướng tăng năng suất và sản lượng; do vậy, chậm chuyển dịch sang các ngành có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh, các chính sách cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng chất lượng và bền vững,… nhất là chính sách cho người sản xuất còn nhiều bất cập, thậm chí làm cho ĐBSCL bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Người sản xuất phải đối mặt với nhiều nỗi lo  và sức ép lớn của thị trường, lợi nhuận thấp, đời sống chậm cải thiện,… có phần tác động đến xu hướng di dân từ vùng nông thôn sang các vùng khác do thiếu việc làm và thu nhập thấp.  

Bên cạnh các “bất cập” trên, ĐBSCL lại đang rơi vào thách thức mới đó là bị tác động lớn của biến đổi khí hậu. ĐBSCL được xem là một trong ba đồng bằng của thế giới sẽ bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu; dự báo lượng mưa ĐBSCL sẽ giảm 10 - 20% vào đầu mùa và tăng vào cuối mùa, nhiệt độ tăng khoảng 2oC vào những năm 2030 - 2040, nước biển dâng 0,33 - 1,0m vào năm 2050 - 2100. Như vậy, các lợi thế về điều kiện tự nhiên của Vùng sẽ thay đổi, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ bị tác động nhiều nhất, hệ thống sản xuất và thế mạnh của ngành nông nghiệp phải được điều chỉnh tương thích với tác động của biến đổi khí hậu và kịp thời có giải pháp thích ứng để phát triển bền vững.

Kính thưa Đại hội

Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ đạt 9,2 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu về lương thực sẽ tăng gần gấp đôi so với thời điểm hiện nay. Trong khi đó, tác động của biến đổi khí hậu đang làm cho các điều kiện tự nhiên phù hợp với canh tác nông nghiệp ngày càng suy giảm; thiên tai, dịch bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng cao. ĐBSCL được dự đoán sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng của Châu Á để cung cấp nông sản cho thế giới và ngành thủy sản của Vùng ĐBSCL đang có ưu thế cạnh tranh so với các khu vực khác. Để hiện thực hóa được tương lai này, cách tiếp cận là phải lấy bối cảnh thực tiễn của vùng và sự tiến bộ của KH-CN để làm nền tảng cho sự phát triển, cần phải có sự đột phá về tư duy và thể chế, tăng cường liên kết trong và ngoài vùng và lấy mục tiêu phát triển vùng làm định hướng. Đặc biệt, với ngành nông nghiệp thì Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120/NQ-CP) nêu rõ quan điểm phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Khát vọng về phát triển kinh tế của ĐBSCL đòi hỏi phải dựa trên tiềm năng lợi thế về nông nghiệp của Vùng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Thời gian vừa qua, tăng trưởng của Vùng dựa chính vào sự mở rộng quy mô vốn đất đai và lực lượng lao động; Nhưng những nguồn lực tài nguyên quý giá này đã đến giới hạn của nó. Tăng trưởng trong tương lai sắp tới chỉ có thể dựa vào KH-CN để tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).  

Kính thưa Đại hội

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng đồng bằng lớn nhất nước ta; dù thành phố Cần Thơ không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất Vùng; nhưng Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm KH-CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Điều này nổi bật trên một số mặt như:

Thứ nhất, Cần Thơ bước đầu đã thực hiện được vai trò trung tâm vùng ĐBSCL về thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và KH-CN. Với gần 92% tỷ trọng GRDP trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thời gian qua, Thành phố giữ vai trò quan trọng trong khâu sản xuất - chế biến và thương mại của các chuỗi giá trị nông sản chủ lực vùng ĐBSCL. Là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất vùng ĐBSCL; là nơi tập trung kết nối giữa nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu) với vùng sản xuất nguyên liệu.

Thứ hai, Cần Thơ là địa phương có điều kiện tốt nhất Vùng về tiềm năng KH-CN cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Với hệ thống đa dạng các trường đại học,  viện nghiên cứu (gồm 73 đơn vị, 7455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học), trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL… với đội ngũ đông đảo cán bộ nghiên cứu về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,...) và các lĩnh vực liên quan như công nghệ sinh học, công nghệ, công nghệ thông tin,... Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của Đại học Cần Thơ được xếp vào nhóm 300 trường tốt nhất thế giới theo xếp hạng năm 2020 của Hệ thống xếp hạng các trường đại học thế giới (QS), là đơn vị duy nhất của Việt Nam được xếp vào nhóm hạng cao này. Hơn nữa, các dự án đầu tư lớn nâng cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu đang triển khai trên địa bàn Thành phố hiện nay cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường sẽ làm thay đổi quan trọng về điều kiện, tiềm năng KH-CN, sẽ trở thành  động lực cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Cần Thơ và Vùng.

Thứ ba, Thành phố đã xác định rõ mục tiêu và quyết liệt triển khai chủ trương “làm cho KH-CN thực sự là quốc sách hàng đầu” của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển, ứng dụng KH-CN. Kết quả là, bước đầu hình thành Hệ sinh thái KH-CN, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp với hệ thống các trường, viện, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn), các sàn giao dịch nông sản… Thành phố cũng đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Khu công nghệ thông tin và ba khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư;  thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Cần Thơ luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển thị trường KH-CN; đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất thông qua việc hình thành hàng loạt các tổ chức trung gian khuyến công nghệ như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc… đồng thời, quan tâm mời gọi các Tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đến đầu tư các dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hoặc cung cấp các dịch vụ cho nông nghiệp.

Thứ tư, trong những năm gần đây, các sản phẩm, dịch vụ KH-CN của Cần Thơ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường Vùng ĐBSCL, của cả nước và một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài như: Thương mại hóa các hệ thống IoT giám sát chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản; Hệ thống giám sát - cảnh báo và điều khiển tự động môi trường trong nông nghiệp; Mô hình trồng rau hữu cơ; Mô hình nông trại dùng chung; Hệ thống điều khiển CO2 trong nhà kính; Hệ thống tưới nhỏ giọt; Thiết bị sấy ca cao bằng năng lượng mặt trời; Thiết bị cảm biến không dây phục vụ sản xuất nông nghiệp; Thiết bị điều khiển tưới từ xa trong nông nghiệp; Thiết bị giám sát và điều khiển đèn chiếu sáng qua mạng di động; Ứng dụng công nghệ plasma lạnh để xử lý nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản…

Kính thưa Đại hội

Tuy đạt được một số kết quả ban đầu như nêu trên, nhưng tiềm lực KH-CN của ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng còn nhiều nút thắt phải tập trung tháo gỡ như Nghị quyết 120/NQ-CP đã nêu rõ “tỷ lệ ứng dụng KH-CN tiên tiến của Vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước,   nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng chuyển dịch sang các địa phương khác”. Hạn chế trong phát triển KH-CN không chỉ là câu chuyện riêng của ĐBSCL. Đánh giá về vấn đề này, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ: “KH-CN chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trình độ KH-CN quốc gia  nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực”.

Điểm đáng mừng là xu hướng công nghệ toàn cầu và bối cảnh kinh tế - xã hội của Vùng đang xuất hiện những cơ hội mới để KH-CN về nông nghiệp tại Cần Thơ có thể vượt qua những nút thắt trước đây để bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn như (i) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, (ii) tiềm lực tăng trưởng kinh tế của cả nước (iii) làn sóng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, (iv) tiến độ sớm hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối khung của Vùng ĐBSCL.

Tranh thủ các cơ hội trên, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đạt được bước đầu cũng như  đứng trước yêu cầu phát triển của Vùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Cần Thơ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng phát triển cho Cần Thơ phải trở thành một trung tâm KH-CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Vì sự phát triển của thành phố Cần Thơ không chỉ cho Cần Thơ mà còn phải “thể hiện vai trò trung tâm Vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong Vùng”.

Để làm được điều này, thành phố Cần Thơ đề xuất các định hướng giải pháp phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, như sau:

Thứ nhất, về quan điểm phát triển, Thành phố phải tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung - tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển KH-CN của Thành phố và phía cầu KH-CN từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, đồng bộ với các giải pháp liên kết cung - cầu, phát triển thị trường KH-CN hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng KH-CN không phải vì họ muốn vậy mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Như vậy, thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Thứ ba, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH-CN của Thành phố (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các Viện nghiên cứu khoa học, Trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở đầu tư theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ cho ĐBSCL, đặc biệt cho các Trường đại học, Viện nghiên cứu có thế mạnh về nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hay cùng đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tầm quốc gia, khu vực tại thành phố Cần Thơ.

Thứ tư, thúc đẩy bên cầu đối với KH-CN, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động KH-CN; bao gồm các biện pháp khuyến khích người nông dân học tập và trở lên năng động hơn trong việc hấp thụ các sản phẩm KH-CN, khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, áp dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp;  các chương trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của ĐBSCL, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tăng mức hạn điền để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn KH-CN trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố chủ động đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá cho phát triển thành phố, làm động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL.

Thứ năm, đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH-CN thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn   đo lường chất lượng Cần Thơ,… nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, của người nông dân ĐBSCL. Tăng cường tỷ lệ ứng dụng KH-CN vào sản xuất, phát triển thêm các Vườn ươm Công nghệ, các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin… để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn. Mở rộng các hoạt động hợp tác, kết nối, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương trong Vùng. Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KH-CN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của thành phố Cần Thơ mà là một hệ sinh thái KH-CN chung của cả Vùng ĐBSCL.

Kính thưa Đại hội

Nhận thức rõ vai trò và vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Thành ủy Cần Thơ đã và đang xây dựng các chủ trương, chính sách (như xác định khoa học, công nghệ là khâu đột phá, ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường ứng dụng KH-CN…) và định hướng để trở thành trung tâm tạo ra các giải pháp KH-CN trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của Vùng và cả nước.

Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi xin hứa với Đại hội, với Trung ương là sẽ quyết tâm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo nên sức mạnh hơn nữa, phát huy ý chí và tinh thần tự lực tự cường, vươn tới nắm bắt mọi cơ hội, khai thác đúng mức tiềm lực, tiềm năng và lợi thế của địa phương để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đảng bộ thành phố Cần Thơ đề ra tại Đại hội vừa qua, góp phần tích cực nhất vào thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trước thềm năm mới - Xuân Tân Sửu 2021, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ, xin kính chúc toàn thể quý đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn và kính chào.

Nguồn video clip: Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ

PV

Chia sẻ bài viết