29/08/2008 - 08:43

Xây dựng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ trở thành đơn vị giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng chống lao cho 7 tỉnh, thành

Ngày 28-8, tại TP Cần Thơ, hơn 20 đại biểu đến từ 8 tỉnh, thành (Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng) đã tham dự hội thảo tăng cường công tác phòng chống lao (PCL) khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo, số bệnh nhân lao ở 8 tỉnh, thành đến năm 2007 là 15.583 người, tỷ lệ tử vong trên 3%. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng công tác PCL ở các địa phương gặp nhiều khó khăn vì tình trạng bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng, xu thế gia tăng bệnh lao ở nhóm thanh niên... trong khi cán bộ làm công tác PCL lại thiếu, tuyến tỉnh, thành phố chỉ có 0,9 cán bộ/100.000 dân; tuyến quận, huyện chỉ có 3 cán bộ/100.000 dân; kinh phí không đủ để chi trả cho việc phát hiện, quản lý bệnh nhân, giám sát hoạt động tuyến dưới...

Cũng trong cuộc họp này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Sophia, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đồng ý để BV L & BP Cần Thơ hỗ trợ cho 7 tỉnh, thành nêu trên trong công tác PCL. Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Điều hành dự án PCL quốc gia, cho biết: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo, giới thiệu các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho BV L & BP Cần Thơ để Cần Thơ sớm trở thành đơn vị chủ lực, chỉ đạo tuyến về công tác PCL.

Cùng ngày, tại TP Cần Thơ, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tổ chức tập huấn chẩn đoán và xử trí ngộ độc cấp trẻ em cho 38 bác sĩ, nhân viên cấp cứu của các bệnh viện ở tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Trong ba ngày (từ 27 đến 29-8), các bác sĩ sẽ được cung cấp kiến thức về nguyên tắc xử trí ban đầu ngộ độc cấp, rửa dạ dày trong ngộ độc cấp đường tiêu hóa, sử dụng than hoạt trong ngộ độc cấp đường tiêu hóa, một số loại ngộ độc thường gặp, ngộ độc một số hóa chất bảo vệ thực vật... ở trẻ em.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết