17/05/2009 - 21:43

Công trình kéo dài 5 năm chưa hoàn thành

Xây 9,4 tỉ đồng... khắc phục sự cố trên 26,6 tỉ đồng!

Hạng mục bờ kè tả (bên bờ trái rạch Khai Luông) thuộc dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trị giá (giá trúng thầu) hơn 9,4 tỉ đồng. Quá trình thi công xảy ra sự cố, khiến công trình này phải tạm ngưng thi công và theo phương án khắc phục mới được phía cơ quan chức năng của quận Ninh Kiều và TP Cần Thơ thông qua (đang chờ UBND thành phố phê duyệt – PV) thì số kinh phí để khắc phục sự cố lên đến trên 26,6 tỉ đồng!

Hổng chân kè

Dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông (gọi tắt là kè rạch Khai Luông) được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) nay là UBND TP Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư bằng văn bản số 3320/UB ngày 16-10-2000. Sau đó, Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi II nay là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi II (HEC 2) lập dự án đầu tư và được Sở Kế hoạch – Đầu tư thẩm định. Ngày 20-2-2002, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ban hành Quyết định số 533/QĐ-CT.UB phê duyệt dự án nói trên với tổng mức đầu tư 32.301.947.000 đồng. Chủ đầu tư dự án là UBND TP Cần Thơ (cũ) nay là UBND quận Ninh Kiều. Mục tiêu của dự án là đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển khu Trung tâm Thương mại Cái Khế, tạo điều kiện giao thông thủy lợi và mỹ quan đô thị. Dự án kè rạch Khai Luông gồm ba hạng mục: nạo vét rạch Khai Luông, xây dựng kè bờ tả và kè bờ hữu. Hạng mục nạo vét với chiều dài 1.100m đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng cuối tháng 11-2004 và được phê duyệt quyết toán công trình vào ngày 11-1-2006.

Kè bờ tả thuộc Dự án nạo vét và bờ kè rạch Khai Luông do xảy ra sự cố “hổng chân kè” nên tạm ngừng thi công. 

Ở 2 hạng mục còn lại của dự án (xây dựng bờ kè hai bên rạch Khai Luông), hạng mục kè bờ tả khởi công ngày 28-7-2004 và dự kiến hoàn thành vào ngày 16-8-2005; còn hạng mục kè bờ hữu khởi công ngày 27-4-2005 và dự kiến hoàn thành cuối tháng 5-2006. Tuy nhiên đến nay đã 4-5 năm trôi qua, 2 hạng mục kè bờ hữu, kè bờ tả rạch Khai Luông vẫn chưa hoàn tất, công trình vẫn ngổn ngang... Một trong những nguyên nhân chính của sự chậm trễ do sự cố xảy ra khi thi công xây dựng kè bờ tả.

Việc xây dựng bờ kè tả rạch Khai Luông do Công ty Nông súc sản xuất khẩu Cần Thơ (CATACO) trúng thầu xây dựng với giá 9,41 tỉ đồng và được khởi công ngày 28-7-2004. Chỉ hơn 3 tháng thi công bờ kè, các đơn vị có liên quan đã phát hiện những sự cố của công trình nhưng vẫn tiếp tục thi công công trình. Và hệ lụy là nhà thầu đã xây dựng hoàn thành toàn bộ tường kè nhưng khối lượng còn lại như: mái kè, cống thoát nước, hệ thống đèn trang trí... không thể tiếp tục thi công. Theo Ban QLDA quận Ninh Kiều, việc thi công hạng mục kè bờ tả không thể tiếp tục vì vướng mắc kỹ thuật: cao trình mái đất thực tế để thi công mái kè thay đổi rất nhiều so với cao trình mái đất trong hồ sơ thiết kế được lập từ năm 2001. Đặc biệt là thấp hơn cao độ thiết kế, đoạn dài 432m ngang qua khu vực chuyên gia cầu Cần Thơ (từ K0+181 đến K0+613), độ chênh lệch bình quân trên 3,6m, được gọi là “hổng chân kè”. Mặc dù Ban Quản lý dự án TP Cần Thơ (cũ) phát hiện tình trạng chênh lệch cao trình mái đất so với thiết kế ban đầu từ tháng 10-2004, nhưng đơn vị này đã không báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư để xin ý kiến cấp thẩm quyền xem xét xử lý, mà tiếp tục cho nhà thầu thi công đóng cọc vá đúc thân tường kè dẫn tới việc “hổng chân kè”, từ đó làm đình trệ tiến độ thi công...

Dự án kè gần bờ, thiết kế... xa bờ?!

Vụ sự cố xây dựng bờ kè tả rạch Khai Luông kéo dài đến tháng 8-2006, UBND TP Cần Thơ mới phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát lại hiện trạng, kiểm tra toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng công trình (từ khâu chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công xây dựng), xác định nguyên nhân và báo cáo đề xuất hướng xử lý cụ thể. Gần một năm sau, tại cuộc họp ngày 11-7-2007, ông Võ Thanh Tòng (Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lúc bấy giờ) một lần nữa yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, trên cơ sở đó xử lý đối với từng cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc phát hiện hổng chân kè mà không ngưng thi công để điều chỉnh thiết kế. Dù đã có chỉ đạo như vậy nhưng việc tìm nguyên nhân sự cố vẫn... “bó tay”. Ngay cả khi chủ đầu tư nhờ Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) tìm nguyên nhân thì đơn vị này cũng “bó tay”.

Và nguyên nhân chính gây ra sự cố hổng chân kè đã được hé mở qua Báo cáo số 216a/BC-ĐKT ngày 25-12-2008 của Đoàn Kiểm tra Chương trình 33 TU (Kiểm tra theo Chương trình số 33 CTr/TU của Thành ủy năm 2008), trong việc kiểm tra trình tự thủ tục và tình hình triển khai dự án Nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông (bờ tả). Theo báo cáo này, dự án đưa ra 2 phương án: phương án I và phương án II. Quyết định phê duyệt dự án (Ngày 20-2-2002, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ban hành Quyết định số 533/QĐ-CT.UB) chọn phương án I ghi vị trí tuyến kè bờ tả nằm gần bờ. Trong khi đó, Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán (Quyết định số 2966/QĐ-CT.UB của UBND tỉnh Cần Thơ ngày 22-8-2003) ghi vị trí tuyến kè bờ tả theo phương án II, cách xa bờ so với phương án I từ 10 – 20m. Lý giải việc chọn phương án II có ưu thế so với phương án I là tận dụng được vỉa hè có chiều rộng từ 10 – 20m để làm cảnh quan chung. Nhưng chủ đầu tư là UBND TP Cần Thơ (cũ) không trình UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) điều chỉnh lại dự án trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán của hạng mục kè bờ tả. Qua kiểm tra về thiết kế kỹ thuật dự toán, đoàn kiểm tra phát hiện vị trí tuyến kè sai lệch so với dự án, dẫn tới tình trạng tính thiếu khối lượng san lấp trong kè. Thiếu khảo sát chi tiết trước khi triển khai xây dựng, dẫn tới tình trạng lòng sông sâu hơn đáy kè (hổng chân kè), nhà thầu xây lắp thiếu kinh nghiệm và hạn chế về tài chính; nhà thầu thiết kế thiếu giám sát trong giai đoạn thi công...

Trên 26,6 tỉ đồng để sửa chữa cho sự tắc trách!

Để khắc phục sự cố “hổng chân kè”, năm 2007, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi II - đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra phương án khắc phục phải mất khoảng 10,4 tỉ đồng. Nhưng để “an toàn” cần phải khảo sát và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công- dự toán bổ sung theo hiện trạng cao trình mái kè mới hiện nay. Kinh phí khắc phục này có thể lên trên 20 tỉ đồng. Đến cuối tháng 10-2008, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn đã chỉ đạo UBND quận Ninh Kiều và ngành chức năng nhanh chóng tìm phương án khắc phục. Sau đó phía quận Ninh Kiều liên tục đề nghị nhà thầu tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi II (HEC 2) khẩn trương hoàn chỉnh các phương án thiết kế bổ sung khắc phục tình trạng “hổng chân kè” bờ tả. Đến đầu năm 2009, HEC 2 đã hoàn chỉnh 3 phương án và sau nhiều cuộc họp, đến tháng 4-2009, trong cuộc họp giữa các ngành chức năng do UBND quận Ninh Kiều chủ trì, đã thống nhất chọn phương án I giảm tải. Theo phương án này, sẽ đóng bổ sung một hàng cọc bê tông cốt thép (BTCT) 35x35cm, dài 19m, khoảng cách cọc 4m/cọc, cách kè hiện hữu 10m về phía trong bờ, trên đỉnh cọc có tường chắn đất cao 2,35m. Đóng bổ sung một hàng cọc đôi BTCT (35x35cm), dài 19m, cự ly 4m/cọc; tim hàng cọc đôi này cách kè hiện hữu 5m hướng về phía trong bờ. Các hàng cọc và kè hiện hữu được liên kế với nhau thông qua hệ giằng ở cao trình =0,8m và hệ sàn ở cao trình =2,5m. Sàn BTCT được thiết kế chịu tải trọng tiêu chuẩn 400kg/m2. Chân kè được gia cố bằng bao tải cát kết hợp vải lọc và thảm đá dày 30cm... Chi phí xây dựng theo phương án này là 26.654.884.637 đồng. Còn phương án II và III số kinh phí từ 31 đến 44 tỉ đồng đã không được chọn.

Theo ông Trần Minh Phát, Quyền Trưởng Ban QLDA quận Ninh Kiều: Sau khi HEC 2 đưa ra các phương án, phía quận đã xin ý kiến góp ý của các sở, ngành hữu quan và chốt lại khi chọn phương án I. Hiện nay, phía HEC 2 đang hoàn chỉnh từ phương án thành hồ sơ thiết kế thi công để phía quận trình Sở Kế hoạch - Đầu tư và hiện nay, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang hoàn tất để trình UBND thành phố xem xét và chấp nhận điều chỉnh thì trong tháng 5 và tháng 6-2009 hoàn chỉnh tất cả mọi thủ tục cần thiết để tiến hành đấu thầu. Nếu mọi thủ tục và quy trình đều thuận lợi thì trong tháng 7 hoặc tháng 8-2009 bắt đầu thi công trở lại đoạn kè hổng chân.

Từ sự cố “hổng chân kè” bờ tả dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông ngân sách lại tiếp tục phải chi ra trên 26,6 tỉ đồng (giá rẻ nhất – PV) để khắc phục sự cố, để công trình tiếp tục được thi công và sớm hoàn thành. Nhưng vấn đề ở đây là hàng chục tỉ đồng ngân sách đáng lý được đầu tư vào những công trình khác cũng đang “khát vốn”, giờ phải trang trải để khắc phục sự cố gây ra bởi sự tắc trách của các bên có liên quan trong công trình nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông. Dư luận yêu cầu cần thiết phải mổ xẻ trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban QLDA, tư vấn thiết kế, giám sát thi công… để xử lý rốt ráo vụ việc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết