01/07/2012 - 19:53

Hàng nông sản chủ lực của Sóc Trăng

Vượt khó không phải dễ!

Đầu năm đến nay, hàng loạt mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Sóc Trăng lần lượt thi nhau rớt giá… Chưa kịp “gượng dậy” sau cú sốc này, dịch bệnh trên tôm nuôi, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa… đã quay trở lại làm khó nông dân...

Từ cuối năm 2011, những dự báo không mấy lạc quan về thị trường lúa gạo đã được đưa ra, nhưng diện tích lúa đông-xuân và xuân-hè ở Sóc Trăng vẫn tiếp tục tăng. Không chỉ tăng diện tích, năng suất của hai vụ lúa này cũng đạt rất cao và thị trường khó vẫn hoàn khó. Hệ quả là giá lúa liên tục giảm mạnh, buộc Chính phủ phải ban hành chính sách thu mua tạm trữ để đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân. Điều đáng nói là phần lớn diện tích sản xuất lúa của hai vụ trên đều không có hợp đồng tiêu thụ, nên chính sách thu mua tạm trữ vẫn không đến được với nông dân một cách trọn vẹn. Sự gia tăng năng suất cũng không đủ để bù đắp phần sụt giảm của giá lúa hàng hóa đã làm cho lợi nhuận của nông dân giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, ngay từ đầu vụ hè-thu, tình hình bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đã xuất hiện trở lại và có nguy cơ đe dọa cho vụ lúa này...

Cây lúa vẫn trúng mùa, nhưng hiệu quả kém
vì giá thấp. 

Nông dân trồng hành cũng không thể lường hết những khó khăn. Vì chỉ mới ở vụ hành năm ngoái, giá hành giống chỉ có 5.000 đồng/kg, nhưng khi thu hoạch, hành thương phẩm luôn bán được giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/công hành đã kích thích nông dân tìm đủ mọi loại đất để trồng hành, tạo nên tình trạng sốt giá hành giống ngay từ đầu vụ. Giá hành giống liên tục tăng từ 40-50 ngàn đồng/kg, nhưng vẫn có người tìm mua. Vì theo tính toán, nếu giá hành thương phẩm đạt như năm trước, người trồng hành vẫn có lãi cao hơn so với một số cây trồng khác. Tuy nhiên, nông dân tính không bằng... sự biến động của thị trường, khi các nước trồng hành trong khu vực đồng loạt trúng mùa, tạo áp lực lớn lên thị trường hành trong tỉnh. Giá hành bắt đầu giảm ngay từ đầu vụ và chỉ một đôi lần tăng lên mức 6.000 đồng/kg, còn lại chỉ quanh quẩn ở mức 3.000-5.000 đồng/kg, nhưng vẫn rất khó bán. Người trồng hành bị lỗ nặng do bán dưới giá thành và tỷ lệ hao hụt lớn vì chậm tiêu thụ. Đây được xem là vụ hành “tệ hại” nhất đối với nông dân Vĩnh Châu trong những năm gần đây.

Khó khăn vẫn chưa chịu buông tha nhà nông Sóc Trăng, khi giá heo hơi vừa mới tìm lại được chỗ đứng trên thị trường lại phải “chết oan” vì chất tạo nạc. Các công bố mới đây của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm về kết quả kiểm tra chất tạo nạc trong chăn nuôi cho thấy, tỷ lệ hộ sử dụng chất tạo nạc là rất thấp. Tuy nhiên, kết quả đó dường như là hơi muộn vì giá heo hơi qua một thời gian dài giảm và việc tiêu thụ rất khó khăn. Trong tương lai, thị trường heo hơi có khởi sắc thế nào đi nữa nhưng chắc chắn rằng, người chăn nuôi vẫn phải “gồng mình” trước việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, cho đến lãi suất ngân hàng và đủ mọi chi phí khác... để duy trì nghề nuôi. Cây mía vừa kết thúc niên vụ trong hiếm hoi nụ cười của người trồng mía. Tuy chưa phải là vụ mía tồi tệ nhất, nhưng người trồng mía cũng đã nếm phải không ít “vị đắng” từ những trận lũ lụt, vỡ đê gây ngập úng, trổ cờ làm giảm năng suất, chữ đường và nhất là giá mía luôn “bình ổn” ở mức thấp hơn so với niên vụ trước.

Chuyện giảm giá như một “trận dịch” đã và đang lây lan sang không ít loại nông sản chủ lực của tỉnh. Con tôm sú mới chỉ vào vụ không lâu, diện tích thả nuôi và thu hoạch chưa nhiều, nhưng giá thì đã giảm từ 30-40 ngàn đồng/kg so với vụ nuôi trước. Trong khi các nhà máy đều kêu thiếu nguyên liệu mà giá tôm lại giảm, tạo nên nghịch lý cung – cầu. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn để thấy các nước nuôi tôm lớn trên thế giới đều đang trúng mùa sẽ thấy chuyện nghịch lý trên là… hợp lý! Chưa hết, ngay từ đầu vụ nuôi đến nay, dịch bệnh lại bùng phát gây thiệt hại trên 20% diện tích thả nuôi và trong đó có khoảng 40% diện tích thiệt hại chưa xác định được rõ ràng tác nhân gây bệnh.

Có thể, sẽ có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải nguyên nhân những khó khăn cho nông sản của tỉnh Sóc Trăng. Nhưng có một thực tế là nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Đây cũng chính là nhược điểm lớn nhất của nông nghiệp Sóc Trăng nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung. Các giải pháp khắc phục nhược điểm trên không phải là không có, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là ở ý thức của người nông dân. Chỉ khi nào, nông dân nhận thức được tầm quan trọng của sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, cùng với những định hướng, quy hoạch của Nhà nước, khi đó nông sản mới có thể dễ dàng vượt khó!

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết