Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 có hiệu lực từ ngày 1-7-2000. Quá trình áp dụng, Quốc hội đã có 2 lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình đất nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, đến nay, BLHS 1999 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng
Qua thực tiễn 11 năm thi hành, BLHS năm 1999 đã quy định một cách tương đối hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã luật hóa tương đối đầy đủ các hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân
Tại Cần Thơ, việc tổ chức các phiên tòa lưu động ở nơi xảy ra tội phạm và các bị cáo bị xử phạt với mức án nghiêm khắc đã góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trấn an dư luận, răn đe tội phạm, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân mang tính thiết thực, đạt hiệu quả nhanh, lan tỏa đến nhiều tầng lớp dân cư.
 |
Công an quận Ninh Kiều đang lấy lời khai một đối tượng trong băng nhóm Cướp tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xảy ra trên địa bàn. Ảnh: KIỀU CHINH
|
Tuy nhiên, theo các cơ quan của TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thi hành BLHS cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như: nhiều nội dung trong BLHS được quy định chung chung không cụ thể, rõ ràng dẫn tới việc áp dụng thiếu thống nhất chưa tạo sự đồng thuận. Đối với một số tội danh có quy định về định lượng tài sản, như: tội trộm cắp tài sản nếu giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại điều 250 BLHS lại không có quy định về định lượng tài sản, nên người nào tiêu thụ tài sản trộm cắp dù chỉ vài trăm ngàn đồng cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là những bất cập khiến các cơ quan áp dụng luật cũng cảm thấy lúng túng trong việc xử lý.
Đối với quy định về chủ thể của tội hiếp dâm, luật sư Phạm Khắc Phương, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho rằng Điều 111 BLHS quy định “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng
”, luật sử dụng từ “người nào” theo đó chủ thể của tội hiếp dâm có thể là bất cứ người nào (đủ năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự) không phân biệt nam hay nữ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, cũng như lý luận chỉ coi nam giới là chủ thể đặc biệt của tội hiếp dâm. Thực tiễn, có nhiều vụ việc nạn nhân nam giới bị nữ giới “xâm hại” nhưng lại không xử tội hiếp dâm. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 112 thì “mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em
”. Vì vậy, chủ thể của tội hiếp dâm phải bao gồm cả nữ giới.
Theo TAND TP Cần Thơ, bên cạnh những quy định của BLHS chưa được hướng dẫn cụ thể thì những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh cần được pháp luật hình sự điều chỉnh nhưng chưa được quy định trong BLHS đã gây khó khăn không nhỏ cho quá trình áp dụng, xử lý. Chẳng hạn, các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử cũng đang diễn biến phức tạp với nhiều hành vi như: làm giả thẻ tín dụng để rút tiền tại các máy rút tiền tự động ATM, để thanh toán khi mua hàng; nhắn tin khuyến mại giả tạo để chiếm đoạt tài sản của người khác; lắp đặt, sử dụng thiết bị viễn thông, chiếm đoạt tiền cước trái phép; xâm phạm trái phép vào mạng chuyên dùng để đánh cắp dữ liệu hoặc làm sai lệch dữ liệu của máy tính; lưu trữ và phát tán những ấn phẩm độc hại trên mạng Internet...
Hiện nay, xã hội có nhiều thay đổi, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, nhiều loại tội phạm mới phát sinh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, chứng khoán
Thủ đoạn phạm tội diễn ra ngày càng tinh vi như: tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia có sự móc nối giữa tội phạm trong và ngoài nước, để lừa đảo tiền, mua bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em
Bên cạnh đó, có một số hành vi phạm tội nhưng quy định chưa cụ thể, nhiều quy định còn chồng chéo khó áp dụng, áp dụng không thống nhất, gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2-1-2008 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng hình sự để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt quá cao đối một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế”. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung BLHS cho phù hợp với tình hình đang và sẽ diễn ra như trên là cần thiết.
CHẤN HƯNG