11/09/2010 - 21:22

Vùng sâu hiếu học

Ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nằm trên tỉnh lộ 930, có gần 70% bà con người dân tộc Khmer. Trước đây, vùng đất này chua phèn, bàu trũng, trình độ dân trí thấp. Cái khó, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Rồi bà con nhận ra rằng, nghèo khổ là do trình độ không có, trồng cây lúa, củ khoai cũng cần có khoa học kỹ thuật. Thế là mọi người cho con đi học, lấy chữ đổi đời...

Từ trung tâm huyện Long Mỹ, chúng tôi chạy thẳng theo tỉnh lộ 930 khoảng hơn 30km là đến ấp 10. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được về vùng quê này là màu xanh của lá dừa nước, đồng lúa; xa xa là những đôi trâu đang nằm ngủ bên lũy tre già. Ở đây nhiều kinh rạch. Những con đường đã được đổ đá chẻ theo nhiều hướng đi về các xóm.

Gia đình ông Danh Quận và những luống dưa leo nuôi con ăn học. 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trưởng ấp Lâm Khem mà bà con quen gọi là Hai Khem. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong trào hiếu học của ấp, Ông Hai Khem vỗ tay đắc ý: “Vậy là chú em tìm đúng chỗ rồi. Ở ấp này dù đời sống kinh tế bà con còn khó khăn nhưng việc học của con cái thì phải tới nơi tới chốn. Tôi sẽ giới thiệu với chú em những gia đình vượt khó nghèo cho con đi học. Nhiều lắm!”.

Theo chân ông Hai Khem cùng cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng xã Lương Nghĩa, hộ đầu tiên chúng tôi đến thăm là ông Danh Quận. Căn nhà cây lá đơn sơ, ở sâu trong một ngọn rạch. Trong nhà chỉ có bộ bàn ghế, một bộ ván cũ kỹ nhưng được sắp đặt thật tươm tất, gọn gàng. Một cậu bé đang miệt mài làm toán. Được biết đó là con trai út của ông Quận. Căn nhà hơi nhỏ, ông cất thêm cái chái nối vào để đặt bàn ghế, treo bảng đen ngay ngắn làm nơi học cho các con. Phía trên vách là một dãy bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận học bổng Vừ A Dính (quỹ học bổng dành cho học sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi)... được treo thẳng tắp. Có một câu khẩu hiệu bằng chữ Khmer được treo trên cao, ông Quận giải thích: “Đó là câu “Học, học nữa, học mãi! của Lê Nin dịch sang tiếng Khmer. Tôi viết lên đấy để nhắc nhở các con”. Gia đình ông Quận là một hộ nghèo của ấp, cả nhà với bảy miệng ăn mà chỉ hơn 400m2 đất quanh nhà, trồng hoa màu. Để trang trải cho cuộc sống gia đình, vợ chồng ông làm mướn, giăng lưới, thả câu. Vậy mà năm người con đều được học hành đàng hoàng. Cậu con trai lớn đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Cần Thơ, cô con gái kế đã thi đại học vừa qua, các con còn lại lần lượt học lớp 11, lớp 8 và lớp 5. Tất cả đều học giỏi, thường xuyên được nhận học bổng. Ông Danh Quận tâm sự: “Lo cái ăn, lo con đi học, cực khổ lắm nhưng thấy con ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, cuối năm có giấy khen đem về là chúng tôi lại quên hết những nhọc nhằn”.

Trường hợp như ông Danh Quận không phải hiếm ở cái ấp 10 này. Nhưng theo lời của bà con, một trong những gia đình đầu tàu của ấp chính là gia đình ông Hai Khem. Ông Hai Khem quan niệm rằng: “Cho con ruộng đất rồi thì hoặc là nó bán ăn cũng hết hoặc là nó lại “một nắng hai sương” như cha mẹ của nó thôi. Thay vì vậy, tôi cho con đi học, lấy kiến thức để lập nghiệp”. Ông có đến bốn người con đi học. Hiện cô con gái lớn tốt nghiệp Trung cấp Dược và về công tác tại Trạm Y tế xã, cậu con trai kế tốt nghiệp ngành Thú y đã xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Hai người con nhỏ cũng đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh.

“Dù nghèo tiền của chứ không để con nghèo chữ” - đó là tâm huyết của hầu hết bà con. Được biết hiện nay, dù cuộc sống đã được cải thiện nhiều nhưng số hộ nghèo của ấp vẫn còn đến hơn 67%. Nhưng điều “đáng nể” là toàn ấp hiện nay đã có 1 thạc sĩ, 19 cử nhân, 11 đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, 23 em đang học đại học, 22 em đang học trung học chuyên nghiệp. Số gia đình có con học trên THPT hơn 12%, trong đó, có đến gần 90% là con em của bà con dân tộc Khmer. Số trẻ em trong độ tuổi đến trường hằng năm huy động luôn đạt rất cao. Nhìn vết bùn lem còn vương đầy trên đôi bàn chân của ông Danh Quận cùng những giọt mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán, chúng tôi thầm cảm phục biết bao sự cần cù, chất phác và cả sự lam lũ của người dân ở ấp 10 này.

Người ta thường nói: “Nuôi con, con lớn để nhờ”. Nhưng qua tiếp xúc, hầu hết bà con ấp 10 thì mọi người chỉ mong làm sao cho con học hành thành tới nơi tới chốn, có công việc ổn định. Phong trào hiếu học ở ấp 10 mới nổi lên trong hơn 5 năm trở lại đây, nên những cử nhân của ấp “ra lò” chưa nhiều. Nhiều người mới ra trường vài ba năm, kinh tế chỉ mới tạm ổn định, tự lo cho bản thân. Thế nhưng, những chàng trai cô gái trong ấp sau khi học xong đã biết gói ghém, lo cho gia đình phần nào. Đáng quý là có người tình nguyện về công tác tại địa phương, góp công sức mình vào việc phát triển quê hương. Tiêu biểu như anh chị Lâm Kim Liễu sau khi tốt nghiệp Trung cấp Dược đã về công tác tại Trạm y tế xã, anh Lê Hùng Dưng hiện là Chánh Văn phòng UBND xã, những người như anh Danh Bình, Phạm Văn Dễ, Nguyễn Văn Do, chị Thị Sương... sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng sư phạm hiện đang tiếp tục sự nghiệp trồng người trên chính mảnh đất quê hương. Chính những người con này, đến lượt họ đã đem kết quả học tập của mình với hoài bão góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn của ấp 10.

* * *

Đến ấp 10, điều chúng tôi thật sự xúc động là hình ảnh những người con còn đang đi học đã ý thức phụ giúp cha mẹ. Dù đang là cuối tháng bảy, nhưng cái nắng vẫn oi ả, rát da. Chúng tôi đến nhà em Lê Minh Luân, một cậu học trò nghèo trong ấp, vừa thi đại học đợt rồi. Đã gần 13 giờ mà Luân mới đi giặm lúa về, mặt mày, tay chân lấm lem bùn đất. Luân nói: “Em ráng lo tiếp cha mẹ làm xong vụ lúa này, để mai mốt đi học xa không ai phụ”. Theo lời kể của ông Lê Phước Tường, cha em Luân, thì em đã biết lo cho gia đình từ khi rất nhỏ. Do cha mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên việc làm nông đều do em đảm nhận. Thật không ngờ, một cậu học trò học phổ thông, dáng hình nhỏ thó mà có thể một mình làm hơn 5 công đất ruộng của nhà nhưng vẫn duy trì mức học khá. Luân tâm sự: “Nhà em hiện còn đến 4 người đang đi học nên em cố gắng làm tiếp cha mẹ”. Minh Luân nói rằng: ngoài việc cố gắng học thật giỏi, được nhiều giấy khen thì em cũng tập làm công việc nhà nông để đỡ đần gia đình.

 Con đường đến trường của học trò ấp 10.

Được ông Hai Khem giới thiệu, chúng tôi tìm đến thăm nhà ông Lê Phước Sơn, một gia đình “nổi tiếng” nhờ con cái thành đạt trong ấp. Ông Sơn có 4 người con thì 2 người tốt nghiệp đại học, 1 người tốt nghiệp trung học và có việc làm ổn định: người làm ở UBND xã, người làm ở Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, người là thầy giáo. Nhờ vậy, họ chung sức với nhau, phụ cha mẹ lo cho cô em út đang là sinh viên năm thứ ba; thỉnh thoảng lại biếu cha mẹ ít tiền chi tiêu hay mua sắm vật dụng trong nhà. Chỉ tay vào chiếc ti vi sáng bóng, ông Sơn khoe: “Thằng Dưng, con trai thứ ba của tui mới mua cho tui đó. Có ti vi này, vợ chồng tui cũng đỡ buồn”. Hay trường hợp anh Danh Phai, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, hiện đang công tác tại Trường THPT Dân tộc nội trú Hậu Giang. Dành dụm tiền lương hằng tháng, anh Phai lo toan mọi chi tiêu trong gia đình. Cuối tuần, anh lại đều đặn về thăm cha mẹ. Ông Danh Đỏ, cha anh Phai xúc động: “Thương con lắm. Tôi mừng vì con biết sống hiếu nghĩa...”.

Tôi chợt nhận ra rằng: Hiếu nghĩa với cha mẹ đâu chỉ bằng vật chất! Những san sẻ, lòng hiếu thảo ấy chính là nguồn động viên, an ủi, là động lực để những người cha, người mẹ nơi đây vượt qua khó khăn cho con đến trường. Chúng tôi cảm phục các em khi đôi chân còn bị đất sình nơi ruộng đồng quến lấy, trì nặng khiến những bước đi thêm nặng nề, khó nhọc như con đường hằng ngày đến trường của các em vậy nhưng ước mơ, khát vọng về một tương lai tươi sáng thì vẫn cứ bay cao, bay xa như những cánh cò chao nghiêng trên cánh đồng mùa lúa chín.

* * *

Ấp 10 với gần 70% hộ là người dân tộc Khmer - cao nhất xã Lương Nghĩa. Bà con sống hoàn toàn nhờ vào nghề làm ruộng. Cách đây vài năm, đường sá ấp 10 còn là những con đường đất mòn. Màn đêm buông xuống, ấp 10 nằm lọt thỏm giữa không gian u tịch, leo lét những cây đèn dầu vì chưa có điện. Việc làm nông của bà con khó khăn, năng suất thấp vì là vùng đất chua phèn. Cái nghèo, cái khổ đeo đẳng đời sống của bà con trong ấp. Khổ nhất là trẻ em, cả ấp không có trường nên phải đi bộ ra tận trung tâm xã học. Có những thời điểm, số hộ nghèo trong ấp lên đến hơn 90%, số trẻ em được đi học của cả ấp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng từ năm 1995, khi mà ấp hoàn thành ngôi trường bằng tre lá do bà con trong ấp hùn tiền xây nên thì trẻ em trong ấp có điều kiện học tập tốt hơn. Năm 1997, chính quyền đã cất cho ấp một ngôi trường kiên cố với 2 phòng học khang trang, đầy đủ tiện nghi - Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3. Dần dần, ngôi trường mở rộng quy mô lên 3, 4 rồi 6 phòng. Từng căn phòng của trường được xây cũng có nghĩa là số con em trong ấp được đi học nhiều thêm, số người trong ấp biết chữ nhiều thêm. Bà con cũng nhờ vậy mà thêm hy vọng về chuyện học hành của con. Một nhà có con học trung học, cao đẳng, đại học, rồi lối xóm nhìn vào, phấn đấu làm theo, cứ thế lan dần. Bà con ở ấp 10 thường đùa với nhau: “Thua nhau cái gì cũng chịu chớ thua đường học vấn của con cái thì tức lắm, nên gắng sức cho con đi học để bằng anh bằng em”. Lại thêm, người này đã đi học thì dẫn dắt, hướng dẫn đàn em cách học, hướng nghiệp...

Đầu năm 2006, lưới điện quốc gia đã phủ hầu hết những hộ dân trong ấp. Hệ thống cấp nước, giếng khoan mọc lên ngày càng nhiều đã cải thiện phần nào đời sống của người dân. Đường sá, cầu cống tuy chưa thật hoàn thiện nhưng đã đảm bảo cho việc đi lại. Số nông gia có máy xới, máy cày ngày càng nhiều góp phần cơ giới hóa đồng ruộng, giảm bớt nỗi nhọc nhằn cho bà con. Những ngôi nhà mái ngói, mái tôn dần thay cho những căn nhà lá ọp ẹp. Tuy nhiên, điều bà con vui mừng nhất là ấp vừa được công nhận “Ấp văn hóa”, dù cho số hộ nghèo còn khá nhiều. Có lẽ hơn cả ánh đèn điện, ánh sáng của học vấn đã len lỏi trong từng căn nhà của ấp này, tạo nên một thứ văn hóa mới - văn hóa của tri thức, của sự đổi mới trong nếp nghĩ, việc làm của người dân.

Đêm buông xuống. Làng xóm đã lên đèn. Trong không gian tĩnh mịch ấy vang lên tiếng trẻ em bi bô học bài. Những người cha lại xách giỏ, xách nom, khệ nệ trúm, câu cắm ra đồng, lại một đêm thức trắng bắt cá, bắt cua, bán lấy tiền nuôi con đi học...

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết