23/02/2024 - 09:11

Vùng ngọt hóa Cà Mau và nỗi lo sụt lún, sạt lở đất 

Mới đầu mùa khô nhưng vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đã bị ảnh hưởng bởi sụt lún, sạt lở đất. Trong đó, huyện Trần Văn Thời bị ảnh hưởng nhiều nhất với 111 vụ sụt lún, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề.

Từ đầu năm đến nay tại huyện Trần Văn Thời đã xảy ra 111 vụ sụt lún, sạt lở đất.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã xảy ra 111 vị trí sụt lún, sạt lở đất tại 39 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4km, ước tính thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hầu hết các vụ sụt lún, sạt lở đất đều ảnh hưởng, hư hại các công trình giao thông. Đặc biệt đã có tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn có dấu hiệu rạn nứt. Trong khi đó, mùa khô năm nay sẽ khắc nghiệt hơn nên nguy cơ sụt lún, lở đất có thể xảy ra là rất cao. UBND huyện đã yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng tránh thiệt hại; theo dõi diễn biến để cảnh báo kịp thời, thực hiện rào chắn, giăng dây cảnh báo tại các tuyến đường bị sụt lún, sạt lở”.

Một trong những giải pháp tạm thời được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đưa ra vào thời điểm này là đắp đập tại những khu vực xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng hoặc tại những nơi có nguy cơ cao; sau đó bơm nước vào kênh, rạch để tạo phản áp nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ xảy ra lún, lở đất. Tuy nhiên, do không có nguồn nước ngọt nên bắt buộc phải bơm nước mặn vào vùng ngọt. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp của người dân, đặc biệt, là hệ sinh thái vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân về giải pháp nêu trên, đa phần người dân đồng thuận. Trong buổi làm việc mới đây để tìm giải pháp cho vấn đề sụt lún, sạt lở đang diễn ra của tỉnh Cà Mau, ông Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng sụt, lún làm hư hỏng đường trong vùng ngọt tỉnh Cà Mau là do kênh rạch khô cạn nước. Việc bơm bùn, nước hay đắp đất tạo phản áp là cần thiết. Nếu không đưa nước mặn vào được thì cần có giải pháp nạo vét đất ở phía đối diện đắp bù chỗ nguy cơ sạt lở, sụp lún hoặc chuẩn bị sẵn cát để ứng phó kịp thời.

“Về lâu dài, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần tính toán đẩy sớm thời vụ sản xuất nông nghiệp; người dân cần tính đến việc đào thêm ao vừa nuôi thủy sản nước ngọt, vừa bổ sung nước trong lúc khốc liệt nhất. Có thể cân nhắc, tính toán đến việc chuyển đổi mô hình từ chuyên canh lúa sang sản xuất tôm - lúa vừa hiệu quả, vừa đảm bảo được lượng nước trong mùa khô” - ông Thanh đề xuất giải pháp.

Trong chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình sụt lún, sạt lở đất ngày 16-2 tại huyện Trần Văn Thời, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã được khuyến cáo như cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến đường có nguy cơ sụt lún. Thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún tuyến đê biển Tây do hạn hán, thiếu nước. Song song đó, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết