11/05/2019 - 13:02

Vun đắp tổ ấm 

Những năm tháng đầu hôn nhân thường rất lãng mạn, đong đầy tình cảm… nhưng cuộc sống chung lâu dài dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa, làm phai nhạt tình cảm. Vì vậy, muốn xây dựng, giữ gìn hôn nhân bền vững, vợ chồng phải luôn tôn trọng, vun đắp tình cảm thường xuyên…

Tổ ấm hạnh phúc gia đình đòi hỏi các thành viên phải cùng nhau vun đắp. Trong ảnh: Một gia đình trẻ cùng nhau đi du lịch.  

► Tương kính như tân

Một số người chồng, người vợ lớn tuổi hay than phiền về việc bạn đời của họ ngày càng trở nên khó tính, gắt gỏng. Tuy vợ chồng vẫn sống chung dưới một mái nhà nhưng hễ cứ gần lại nói chuyện dăm ba câu là y như rằng xảy ra bất đồng, cãi vã. Những lúc có con, cháu tụ họp quây quần thì còn cười nói vui vẻ bên nhau chứ những lúc chỉ có hai người thì suốt ngày mặt ủ mày ê, chẳng ai thèm nói với ai câu nào, việc ai người nấy làm… Có người cho rằng, đã mất hết cảm giác yêu thương, sở dĩ vẫn duy trì cuộc sống hôn nhân là “vì con, vì cháu”.

Anh T., ở quận Bình Thủy, kể: “Trước đây, gia đình tôi rất hòa thuận, vui vẻ. Kể từ khi hai chị gái theo chồng, tôi đi làm xa nhà cuối tuần mới về thăm cha mẹ, nhưng cứ quây quần được chốc lát đã sinh chuyện bất hòa. Ba tôi thì chê mẹ lắm lời, suốt ngày cứ hay cằn nhằn, giận hờn vô cớ; còn mẹ thì nói ba là người quá khó tính và không để tâm đến việc nhà cửa, vợ con... Cứ tưởng đó chỉ là chuyện cỏn con, vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày, ấy vậy mà lâu dần dồn lại thành mâu thuẫn, bào mòn hạnh phúc gia đình…”. Nhiều khi thấy ba mẹ suốt ngày cứ lục đục, anh T. cũng không biết khuyên giải thế nào, đành im lặng.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ đến với nhau bằng tình yêu đích thực, thậm chí phải vượt qua nhiều thử thách, sóng gió, nhưng khi bắt đầu vào cuộc sống hôn nhân một thời gian, lại cảm thấy chán nản, hụt hẫng. Họ không còn cảm giác ngưỡng mộ, tôn trọng người bạn đời của mình như ngày đầu. Đó có thể là sự thân thiết tới mức khinh nhờn. Những cặp vợ chồng sống chung lâu ngày sẽ dần quên đi những điều khách sáo, phép tắc trong giao tiếp, ứng xử, dẫn đến đối xử thô lỗ, cục cằn đối với “một nửa” của mình. Bên cạnh đó, xuất phát từ sự thiếu quan tâm đến suy nghĩ, cảm giác của đối phương. Gia đình anh Nguyễn Văn Sang, ở huyện Thới Lai, là một ví dụ. Trước đây gia đình anh rất êm ấm, hạnh phúc. Chồng làm công chức nhà nước, vợ ở nhà làm ruộng, nuôi heo và chăm lo công việc nội trợ. Anh Sang bộc bạch: “Lúc mới cưới, vợ chồng rất quan tâm nhau. Vợ tôi tuy trình độ học vấn không cao nhưng tính tình hiền lành. Vậy mà kể từ khi có con, bà xã thay đổi quá quắt, hay ghen tuông vô cớ. Hằng ngày, tôi đi đâu, làm gì cũng phải “xin phép” và chịu sự kiểm soát gắt gao của vợ, không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, mâu thuẫn vợ chồng thường xuyên xảy ra”.

► Tôn trọng, sẻ chia

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng nguyên nhân sâu xa của những bất hòa, đổ vỡ trong hôn nhân phần nhiều do sự thiếu cảm thông, chia sẻ của vợ chồng. Đó có thể xuất phát từ những bận bịu, áp lực trong cuộc sống. Cô Trần Thị Lan, ở quận Bình Thủy, cho rằng sự quan tâm, cử chỉ ân cần, trìu mến, hành động nhỏ hằng ngày mà vợ chồng dành cho nhau chính là “chất keo” giúp hạnh phúc gia đình cô bền vững. Cô Lan kể: “Mấy chục năm nay vợ chồng tôi duy trì thói quen sinh hoạt cùng nhau. Sáng sớm thì cùng nhau đi tập thể dục, cùng uống cà phê, đọc báo; buổi trưa cùng nhau nấu ăn, trò chuyện; buổi tối cùng nhau đi dạo, xem ti-vi… Làm gì cũng có nhau quen rồi, giờ mỗi khi người này có việc bận thì người kia cảm thấy rất thiếu vắng, chẳng thiết làm gì…”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng muốn duy trì hạnh phúc hôn nhân bền vững, vợ chồng cần tôn trọng công việc, thói quen, sở thích, cá tính của nhau. Chị Ng., ở quận Bình Thủy, chia sẻ: “Trước đây, dù công việc cơ quan có bận rộn đến đâu, ông xã tôi vẫn tranh thủ về nhà đúng giờ và quây quần bên bữa cơm gia đình, cùng tôi chăm sóc, dạy dỗ con cái. Vợ chồng có chuyện gì không hài lòng cũng đều ngồi lại từ tốn phân tích nhẹ nhàng cho nhau nghe…”. Thế nhưng hơn 1 năm nay, kể từ khi anh lên chức trưởng phòng thì cũng là lúc vợ chồng rơi vào “chiến tranh lạnh”. Anh cho rằng vợ con không đủ hiểu biết để chia sẻ buồn vui trong công việc. Cho rằng việc nhà, chăm sóc con là việc cỏn con, anh phó thác hết cho vợ… Chị Ng. bộc bạch: “Do sợ gây ảnh hưởng không tốt đến con cái nên tôi đã ngồi lại nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ chồng. Chẳng những anh không nghe mà còn cho tôi là phụ nữ lắm điều, không thông cảm, chia sẻ công việc của chồng. Tình cảm vợ chồng phai nhạt dần”.

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết