08/01/2015 - 08:35

Cải cách bầu cử ở Hồng Công

Vòng tham vấn công chúng lần hai bị phản đối

Ngày 7-1, chính quyền Hồng Công tổ chức vòng tham vấn công chúng lần hai về kế hoạch cải cách bầu cử, với đề xuất mới về cách thức bầu chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của đặc khu hành chính. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị các nghị sĩ ủng hộ dân chủ phản đối ngay khi nó được giới thiệu trước nghị trường.

Hãng tin Mỹ AP cho biết sau khi Tổng thư ký Carrie Lam, nhân vật số 2 trong chính quyền Hồng Công, công bố kế hoạch bầu cử để tiến hành vòng tham vấn mới trước Hội đồng Lập pháp, các nghị sĩ ủng hộ dân chủ lập tức phản đối bằng cách giơ cao những cây dù màu vàng – biểu tượng của các cuộc biểu tình – và bước ra khỏi nghị trường. Lý do là chính quyền Hồng Công vẫn giữ nguyên đề xuất thẩm tra lý lịch các ứng viên tham gia cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017, vấn đề đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài hơn 2 tháng hồi năm ngoái và chỉ dừng lại khi chính quyền Hồng Công cưỡng chế dẹp các trại biểu tình hồi tháng 12-2014.

Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hồng Công giơ dù vàng phản đối đề xuất bầu cử mới. Ảnh: AP

Họ cáo buộc các nhà lãnh đạo ở Hồng Công và Trung Quốc đại lục không giữ lời hứa là để cho thành phố này tự lựa chọn lãnh đạo của mình bằng phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước đó, khi nước Anh trao trả vùng lãnh thổ có 7 triệu dân cho Trung Quốc năm 1997, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết sẽ để Hồng Công tự do bầu cử theo cơ chế tự trị gọi là "một quốc gia, hai chế độ".

Theo trình tự, tài liệu tham vấn được trình ra cơ quan lập pháp Hồng Công và đăng tải trên mạng Internet để người dân có thể đóng góp ý kiến của họ, trước khi đưa đến đề xuất cuối cùng về cải cách bầu cử và trình hội đồng lập pháp thông qua. Nhưng trong khi chính quyền Hồng Công mô tả tiến trình cải cách bầu cử là một bước ngoặt "lịch sử", lực lượng đòi dân chủ lại gọi đó là "dân chủ giả tạo" và luôn tỏ ra ít hy vọng vòng tham vấn mới sẽ mang đến những thay đổi có ý nghĩa.

Hiện các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối kế hoạch, trừ phi nó hủy bỏ yêu cầu thẩm tra lý lịch các ứng viên – một yêu cầu mà chính quyền Hồng Công và Bắc Kinh luôn phớt lờ. Theo AP, các nghị sĩ ủng hộ dân chủ chiếm đến 40% số ghế trong cơ quan lập pháp Hồng Công, đủ để bác bỏ kế hoạch bầu cử. Do đó, nếu kế hoạch bầu cử cuối cùng không nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ để được thông qua và trình đến Bắc Kinh, cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Hồng Công sẽ bị trì hoãn.

Các hãng truyền thông cho biết một ngày trước khi tổ chức vòng tham vấn mới, chính quyền Hồng Công đã trình một báo cáo về tình hình chính trị tại đặc khu cho chính quyền Bắc Kinh. Báo cáo nói rằng Hồng Công cam kết tuân theo kế hoạch bầu cử do Bắc Kinh phác thảo. Không chỉ vậy, báo cáo còn lưu ý rằng "sự phát triển của hiến pháp là một vấn đề gây nhiều tranh cãi" và cáo buộc "các cuộc biểu tình phi pháp đã làm gia tăng quan ngại trong cộng đồng". Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người được Bắc Kinh hậu thuẫn, còn cảnh báo "những hành động cưỡng ép bất hợp pháp hoặc gây rối loạn trật tự xã hội" sẽ không làm thay đổi quyết định của chính quyền Trung Quốc.

THANH TRÚC (Theo AP, AFP và BBC)

Chia sẻ bài viết