30/10/2019 - 05:12

Vĩnh Thạnh: Chủ động cho vụ lúa đông xuân 

Vụ lúa đông xuân 2019-2020, huyện Vĩnh Thạnh có kế hoạch xuống giống trên 25.000ha, năng suất bình quân ước đạt 6,8 tấn/ha, với tổng sản lượng trên 170.100 tấn. Để đạt kế hoạch này, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh trên đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống theo lịch thời vụ đã khuyến cáo...

Dồn sức cho vụ đông xuân

Đồng ruộng tại huyện Vĩnh Thạnh đầy ấp nước, hứng lấy phù sa chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, lịch xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 tại huyện Vĩnh Thạnh được chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 2-11 đến ngày 8-11-2019 (nhằm ngày mùng 6 tháng 10 đến ngày 12 tháng 10 âm lịch); Đợt 2 từ ngày 21-11 đến ngày 27-11-2019 (nhằm ngày 25 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11 âm lịch), áp dụng cho các xã phía Bắc Cái Sắn và phần diện tích còn lại của các xã Nam Cái Sắn chưa xuống giống đợt 1. Lịch xuống giống từng đợt có thể sớm hoặc muộn hơn vài ngày tùy vào tình hình thực tế rầy di trú cũng như diễn biến thời tiết, thủy văn, nhưng phải xuống giống dứt điểm trước ngày 30-12-2019.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng với các giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đồng"; thời gian cách ly giữa hai vụ lúa tối thiểu 3 tuần, không để tình trạng trên cùng một cánh đồng, cùng một đê bao có nhiều trà lúa khác nhau. Ngành nông nghiệp huyện tập trung hướng dẫn, khuyến khích nông dân tập trung gieo sạ trong đợt 2, vì đây là thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất và phát triển cây lúa...".

Để vụ đông xuân đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích các giống lúa gieo sạ phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường, như: Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, Đài Thơm 8… Khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống cấp xác nhận hoặc tương đương, hạt giống phải sáng màu, sạch bệnh, không lẫn hạt lúa cỏ, hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao và đồng loạt; không sử dụng hạt giống nảy mầm lai rai, kéo dài vì sẽ rất khó dùng nước khống chế cỏ và lúa cỏ khi lúa ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh…

Ông Trần Văn Thái, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Sau khi thu hoạch lúa thu đông, đồng ruộng của tôi được vệ sinh và cho nước vào để hứng lấy phù sa. Năm nay, tôi xuống giống đông xuân theo lịch thời vụ đã khuyến cáo, đồng thời áp dụng biện pháp sản xuất theo kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", sử dụng giống lúa xác nhận gieo sạ mà ngành nông nghiệp khuyến cáo…".

Kỳ vọng vụ mùa mới

Để vụ mùa đông xuân 2019-2020 đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo những đồng ruộng hiện nay chưa vệ sinh hay ruộng lúa vừa mới thu hoạch lúa thu đông cần tranh thủ vệ sinh đồng ruộng để nhận chìm lúa rày, lúa chét, cỏ dại để cắt đứt nguồn thức ăn của các đối tượng sâu bệnh hại lúa, hạn chế ngộ độc hữu cơ, tạo thuận lợi cho lúa đông xuân phát triển tốt. Nông dân tổ chức xới, trục, trạc đất đúng kỹ nhằm tạo mặt ruộng bằng phẳng để lúa phát triển đồng đều; gia cố bờ vùng, bờ thửa đủ cao và chắc để phòng triều cường và thuận lợi trong quản lý nước, hạn chế cỏ dại và lúa cỏ phát triển; bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ, giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh ngay từ đầu, hạn chế lúa bị ngộ độc hữu cơ…

Ông Phan Văn Năm cho biết thêm: "Phòng đã chỉ đạo cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông huyện hướng dẫn bà con trước khi xuống giống 5-7 ngày, đất ruộng phải được chuẩn bị tốt khâu làm đất, ngâm nước đồng ruộng và tháo cạn khi sạ; khuyến cáo nông dân canh tác trong cùng khu đê bao nên liên kết thống nhất lịch xuống giống và liên kết nhau diệt trừ ốc bươu vàng trên nền ruộng ngay từ đầu vụ, hạn chế gây hại cho lúa. Ngành nông nghiệp cũng tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường, như: kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới ướt, khô xen kẽ, sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất…".

Đông xuân 2019-2020 là vụ mùa quan trọng nhất trong năm của người dân địa phương, do đó, UBND huyện Vĩnh Thạnh đề nghị: UBND các xã, thị trấn củng cố, đẩy mạnh hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cấp xã; phân công từng cán bộ chịu trách nhiệm địa bàn cụ thể để tăng cường công tác chỉ đạo thường xuyên, hỗ trợ người dân sản xuất đạt hiệu quả cao vụ lúa đông xuân; tổ chức điều hành, phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên cơ sở, theo dõi chặt chẽ tình hình gieo sạ, điều tra dự báo dịch hại, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ dịch hại theo hướng an toàn thực phẩm; xây dựng các biện pháp phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các dịch hại khác như bệnh đạo ôn, cháy bìa lá... nếu có xảy ra.

Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Vụ lúa đông xuân này huyện Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, với số lượng lớn, an toàn thực phẩm trên nền tảng tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với thị trường thông qua doanh nghiệp. Đồng thời, thời gian xuống giống phải tập trung, đồng loạt, né rầy theo lịch thời vụ; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật tiến bộ để góp phần sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2019-2020".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết