11/01/2024 - 21:58

Việt Nam có thêm 1 mạng di động ảo 

Ngày 11-1, mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator - MVNO) chính thức ra mắt trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0775.

Ðây là mạng di động ảo do Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cung cấp. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam gồm: Ðông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, VNSky và FPT Retail.

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT kỳ vọng sẽ kết hợp được lợi thế của các đơn vị trong cùng tập đoàn để đạt hiệu quả cộng hưởng, phát triển nhóm khách hàng doanh nghiệp (giải pháp viễn thông dành cho doanh nghiệp), khách hàng hộ gia đình (kết hợp internet - truyền hình), khách hàng sử dụng các dịch vụ IoT, M2M, tạo nên nguồn doanh thu bền vững.

Công ty sẽ tích hợp các dịch vụ, tiện ích, nội dung trong hệ sinh thái FPT và các đối tác để khách hàng sử dụng thuận lợi, khai thác hiệu quả những gói cước đã lựa chọn.

Dịch vụ mạng di động ảo của FPT sẽ ứng dụng những công nghệ tiên tiến như: Cloud computing, Chat BOT, AI... để nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, tuân thủ các quy định của ngành viễn thông, tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG).

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30-4-2023, tại Việt Nam có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động.

Nhà mạng ảo (MVNO) là các doanh nghiệp không sở hữu hạ tầng viễn thông nhưng vẫn cung cấp dịch vụ di động thông qua thuê lưu lượng của các nhà mạng.

Nhà mạng ảo hiện chỉ chiếm một lượng nhỏ người dùng, các dịch vụ cung cấp mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn, chưa có dịch vụ thực sự tạo ra thế mạnh riêng. Nhà mạng ảo chỉ cần ký hợp đồng mua SIM của các nhà mạng di động khác là đã có thể cung cấp dịch vụ…

Việc phát triển mạng ảo là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, góp phần thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, tạo thêm nhiều dịch vụ viễn thông trên nền internet băng rộng.

Trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, Cục Viễn thông đã đưa thêm chính sách để tạo hành lang pháp lý minh bạch, dễ dàng, giúp các nhà mạng thuận lợi đàm phán trong quá trình mua lưu lượng, cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hấp dẫn.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết