08/10/2008 - 08:01

Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình trạng nhiễm melamine trong một số sản phẩm sữa

* Bộ Y tế tạm thời chỉ định 3 cơ quan kiểm nghiệm xác định chất melamine

Ngày 7-10, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức Họp báo”Thông báo kết quả bước đầu về việc kiểm soát tình trạng nhiễm melamine trong sữa và nguyên liệu sữa tại Việt Nam”; đồng thời trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí. Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế Việt Nam đã họp với WHO để xin ý kiến về vấn đề quan điểm vì melamine là một chất không được phép có trong thực phẩm. Đến nay, Bộ Y tế chưa nhận được những thông báo chính thức về giới hạn melamine từ các cơ quan quốc tế được phép công bố. Hiện nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã cấm tuyệt đối không cho lưu hành sữa có chứa melamine, với bất cứ hàm lượng nào vì đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu. Tuy nhiên, đây là bài toán hóc búa cho Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung vì làm sao phải dung hòa được hai mục tiêu sức khỏe và kinh tế. Về vấn đề thu hồi và tiêu hủy sản phẩm sữa nhiễm melamine trên thị trường vừa qua, Thứ trưởng cho biết: Quan điểm Bộ Y tế vì sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trẻ em, trước mắt Bộ Y tế không cho phép những sản phẩm có chứa melamine được sử dụng cho người. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đề nghị 2 giải pháp là tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm sữa không an toàn. Hiện Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ về những sản phẩm bị thu hồi và đang được bảo quản trong kho về các giải pháp xử lý.

Theo ông Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam: Đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế Việt Nam đặt mục tiêu cơ bản là sức khỏe con người lên trên hết. Melamine từ trước đến nay chưa bao giờ được công nhận là chất được sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm và cũng chưa từng bao giờ được xét nghiệm hoặc đưa ra mức qui định ngưỡng. WHO cũng phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để nâng cao năng lực về kỹ thuật cho tất cả cán bộ làm công tác phân tích, xét nghiệm melamine và hỗ trợ 2 cán bộ được đi đào tạo tại Singapore; đồng thời cử chuyên gia sang Việt Nam để hướng dẫn trực tiếp.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Trâm - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Việc doanh nghiệp tự lấy mẫu gửi đến 22 cơ quan được Bộ Y tế chỉ định kiểm tra là hết sức cần thiết. Bộ Y tế và các ngành liên quan vẫn thường xuyên tổ chức các đoàn thanh kiểm tra sản phẩm sữa trên thị trường và lấy mẫu kiểm tra định kỳ. Đối với vấn đề có sự khác biệt về kết quả xét nghiệm melamine, theo quy định kết quả của Viện Dinh dưỡng Quốc gia là kết luận chính thức khi xảy ra những tranh cãi về mẫu. Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cũng cho biết: Theo thông báo của Tổng Cục Hải quan từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khoảng 772 tấn sữa nhập khẩu. Thời gian qua, các Đoàn thanh tra đã thu hồi 18 tấn sữa YiLi có nguồn gốc từ Trung Quốc và một lượng lớn các sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, tính đến nay, Cục đã cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho hơn 300 sản phẩm sữa nhưng chỉ có 18 sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Kết luận tại cuộc họp báo, Trưởng đại diện WHO và Tổ chức FAO cùng Bộ Y tế Việt Nam đều nhất trí khẳng định: Thị trường sữa Việt Nam đã được kiểm soát và tương đối an toàn; người dân yên tâm và lựa chọn sản phẩm sữa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định. Đồng thời khuyến cáo sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho bé từ khi sinh cho đến 2 tuổi.

* Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký Quyết định số 3859/QĐ-BYT về việc Tạm thời chỉ định các cơ quan, đơn vị kiểm nghiệm trọng tài trong kiểm nghiệm xác định chất melamine có trong thực phẩm.

Theo đó, 3 cơ quan, đơn vị sau được chỉ định là cơ quan kiểm nghiệm trọng tài là:

1. Viện Dinh dưỡng, địa chỉ Số 48 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

2. Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, địa chỉ số 159 Hưng Phú, Quận 8, TP Hồ Chí Minh.

3. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TP Hồ Chí Minh), địa chỉ số 7, Đường 1, Khu Công Nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai.

Ba cơ quan trên sẽ có chức năng trọng tài khi có sự khác biệt về kết quả xét nghiệm chất melamine của cùng một sản phẩm tại các cơ sở xét nghiệm khác nhau.

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết