10/05/2008 - 22:27

Viễn thông không biên giới – kết nối liên lạc cho vùng bị thiên tai

TSF giúp người bị ảnh hưởng của thiên tai liên lạc với người thân.

“Mẹ ơi, mẹ đang gọi từ đâu vậy? Giọng của mẹ đang run, mẹ có chắc mọi thứ đều ổn chứ?”. Đó là những lời nói đầu tiên mà Carmen Hernandez nghe được sau khi kết nối điện thoại với con trai, sau trận động đất lớn ở Peru hồi tháng 8-2007. Bà Hernandez sống ở Pisco, nơi mà động đất ảnh hưởng mạnh nhất. Trận động đất khủng khiếp này làm ít nhất 500 người thiệt mạng và hàng ngàn người trở thành vô gia cư ở khu vực Ica, phía Nam Thủ đô Lima. Nó ngay lập tức làm tê liệt hệ thống điện, nước và cơ sở hạ tầng truyền thông. Sở dĩ bà Hernandez có thể nói chuyện được với con trai ở Tây Ban Nha là nhờ vào công tác của tổ chức từ thiện Telecoms Sans Frontieres (TSF – Viễn thông không biên giới).

Tổ chức này hiện đang chờ đợi được cấp phép để triển khai tới Myanmar. Do Liên Hiệp Quốc (LHQ) tài trợ, TSF chú trọng đến việc thiết lập các kết nối truyền thông khi có trường hợp khẩn cấp, phục vụ các tổ chức từ thiện và những người chịu ảnh hưởng của thiên tai chẳng hạn. Họ từng làm việc ở Sri Lanka và Indonesia sau trận sóng thần hồi năm 2004, ở Pakistan sau trận động đất năm 2005. Họ đến những lều hay ngôi làng bị ảnh hưởng để cung cấp cho mỗi gia đình một cuộc gọi 3 phút tới bất kỳ đâu trên thế giới.

Vào lúc xảy ra thiên tai, việc phân phối thực phẩm, thuốc men và chỗ trú đóng vai trò ưu tiên. TSF cũng có vị trí thiết yếu ở đây. Với rất nhiều lực lượng có mặt ở hiện trường, việc hợp tác là rất quan trọng. Họ thiết lập những trung tâm viễn thông khẩn cấp để cho phép các nhóm trao đổi công việc hiệu quả. Những trung tâm này chứa tất cả thiết bị IT và viễn thông của một văn phòng bình thường – bao gồm máy in, máy quét, máy tính cá nhân và điện thoại, trong lều hay nơi trú tạm. Kết nối qua vệ tinh cung cấp bất kỳ dịch vụ nào với băng thông từ 64 KB đến 0,5 MB, chi phí có thể đến 10.000 USD/ngày. Do đó để giảm lượng nội dung tải về, TSF đã phát triển bộ công cụ riêng, bao gồm một bộ định tuyến tự động cấu hình máy tính xách tay kết nối mạng. Bộ định tuyến sẽ tự động ngăn chặn các ứng dụng ngốn băng thông như Skype và những chương trình chia sẻ ngang hàng. Bên cạnh đó, nó cũng ngăn nội dung web chiếm nhiều băng thông, chẳng hạn như hình ảnh.

Hoạt động của TSF quan trọng nhất là tốc độ. Trong đợt huấn luyện gần đây, những người tình nguyện đã thiết lập một trung tâm truyền thông hoạt động đầy đủ và lướt web trong vòng 1 giờ. Việc thiết lập bao gồm 2 kết nối vệ tinh và thậm chí là các thiết bị chuyển mạch không dây để tăng phạm vi kết nối. Jean-Francois Cazenove, đồng sáng lập TSF, cho biết TSF có cam kết với LHQ sẽ triển khai trong vòng 48 giờ nhưng thường có mặt ở hiện trường trong vòng 24 giờ.

Vân Anh (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết