Từ tháng 2-2010, Báo Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ thực hiện chuyên đề “Việc làm và bảo hiểm thất nghiệp” định kỳ mỗi tuần, dưới hình thức hỏi - đáp. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.
* Người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng là 3 tháng, bị tạm dừng hưởng ở tháng thứ 2 do bị tạm giam; sau thời hạn tạm giam người lao động vẫn còn trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng thứ 3. Vậy người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 3 và truy hưởng lại tháng thứ 2 hay không?
- Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 22 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP, việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng sẽ được thực hiện vào tháng tiếp theo trong trường hợp người lao động vẫn còn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Bảo hiểm xã hội, sau thời gian bị tạm giam.
Trong trường hợp trên người lao động sẽ được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 3 và không được truy hưởng lại tháng thứ 2.
* Ông Nguyễn Văn A là nhân viên kinh doanh, làm việc cho công ty Z, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, có mức lương ghi trong hợp đồng là 2.000.000 đồng/tháng, nhưng thực lãnh từ 3.000.000 đồng trở lên/tháng (hưởng theo doanh thu). Vậy hàng tháng người lao động căn cứ vào mức lương nào để đóng bảo hiểm thất nghiệp?
- Theo quy định tại khoản 2, Điều 27 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn A, mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là mức lương ghi trong hợp đồng 2.000.000 đồng/tháng.
* Đơn vị B chuyên sản xuất các loại bánh ngọt đang sử dụng 10 lao động, có giao kết hợp đồng lao động như sau: 5 người có hợp đồng lao động 12 tháng trở lên, 3 người hợp đồng có thời hạn 3 tháng trở lên, 2 người hợp đồng theo mùa vụ. Vậy đơn vị B thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp không? Cách xác định người sử dụng lao động sử dụng từ 10 lao động trở lên?
- Theo quy định tại tiết 1.1 điểm 1 mục III của Thông tư số 04/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động có sử dụng lao động từ mười (10) lao động trở lên theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
Số lao động được người sử dụng lao động từ mười (10) lao động trở lên, bao gồm: số lao động Việt Nam đang thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
Vậy đơn vị B thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 5 người có hợp đồng lao động 12 tháng trở lên, thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP.
PHƯƠNG MAI (Thực hiện)