14/01/2024 - 08:20

Vì sao “Thế hệ vàng” của Anh thất bại trong vai trò HLV? 

Với việc bị CLB Birmingham City sa thải chỉ sau 15 trận cầm quân với tỷ lệ thắng thấp kỷ lục, Wayne Rooney đã trở thành người mới nhất trong “Thế hệ vàng” của bóng đá Anh thất bại trên băng ghế huấn luyện.

HLV Rooney (trái) thời còn chèo lái Birmingham. Ảnh: Getty Images

Trước khi mất việc ở Birmingham, Rooney từng có thời gian dẫn dắt Derby County. Sau đó, chiến lược gia 38 tuổi sang Mỹ huấn luyện đội bóng ông từng thi đấu là D.C. United nhưng chỉ mang về 9 điểm cho CLB sau 14 trận. Trong 14 tháng đó, nhiều người vẫn không cảm thấy thuyết phục về khả năng truyền cảm hứng cho D.C. United của Rooney như thời ông còn là cầu thủ. Nhiều HLV vĩ đại là những bậc thầy về giao tiếp, cho dù là trong nội bộ hay thông qua các phương tiện truyền thông.

Chia tay giải nhà nghề Mỹ, cựu tiền đạo Manchester United bén duyên với Birmingham nhưng lại đưa đội bóng từ vị trí thứ 6 xuống 20 ở giải hạng nhất Anh chỉ trong 3 tháng, tức là đi từ chỗ ứng viên thăng hạng đến ứng viên rớt hạng. Theo thống kê, Rooney là HLV tệ nhất trong lịch sử Birmingham khi đạt tỷ lệ thắng chỉ 13,3%. Tỷ lệ thắng của ông trong cả sự nghiệp cầm quân hiện là 26,1%.

Ngoài Rooney, những cựu danh thủ khác thuộc “Thế hệ vàng” giai đoạn 1999-2012 của bóng đá Anh cũng thử sức trên băng ghế chỉ đạo và có trường hợp thất bại với tốc độ cực nhanh.

CLB Aston Villa đứng thứ 17/20 ở giải Ngoại hạng Anh (EPL) khi Steven Gerrard bị sa thải sau 11 tháng nắm quyền. Cựu tiền vệ Liverpool này đang dẫn dắt Al-Ettifaq ở Saudi Arabia, nhưng có nguy cơ cao bị sa thải sau khi đội bóng chỉ thắng 7 trong số 21 trận. Tỷ lệ thắng của ông trong sự nghiệp HLV là 57,1%.

Cựu hậu vệ Gary Neville thì bị Valencia sa thải sau 4 tháng cầm cương, sau đó ông thừa nhận chưa hiểu đủ về giải La Liga, văn hóa và ngôn ngữ Tây Ban Nha. Neville có tỷ lệ thắng chỉ 35,7%. Paul Scholes quản lý đội Oldham Athletic ở giải League Two trong 31 ngày trước khi từ chức. HLV này đạt tỷ lệ thắng 30,8%.

Theo Đài ESPN, không ai trong nhóm HLV Anh nói trên có thể được mô tả là những người cải cách chiến thuật. Kể từ thời các HLV huyền thoại Alex Ferguson và Arsene Wenger, EPL trở nên phức tạp hơn nhờ ảnh hưởng của các chiến lược gia nước ngoài như Jose Mourinho, Jurgen Klopp và Pep Guardiola.

HLV Frank Lampard, người có tỷ lệ thắng 41,3%, từng nói về vai trò “tự do hơn” mà ông yêu thích, đồng quan điểm với Rooney và Gerrard. Bộ ba này đủ thông minh để thi đấu xuất sắc cho các CLB, nhưng họ được hưởng lợi từ việc chơi bóng trong các hệ thống phát huy thế mạnh của bản thân. Điều này đã hình thành “cái tôi” và những “cái tôi” đó không thích ứng được với những yêu cầu cao về quản lý cầu thủ.

Cũng thuộc “Thế hệ vàng”, nhưng cựu tiền vệ tài hoa David Beckham ngay từ đầu đã tránh những cạm bẫy trong quản lý cầu thủ để trở thành đồng sở hữu Inter Miami, CLB đang tạo tiếng vang ở giải nhà nghề Mỹ nhờ lôi kéo thành công siêu sao Lionel Messi.

BÌNH DƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết