26/08/2009 - 20:49

Chi nhánh Công ty Cổ phần Tuấn Hiền

Vi phạm pháp luật lao động, người lao động chịu thiệt thòi

“Làm việc tại Chi nhánh Công ty cổ phần (CP) Tuấn Hiền từ 1 đến 3 năm, nhưng khi chúng tôi nghỉ việc không những không nhận được tiền trợ cấp thôi việc mà chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng không được nhận. Nhiều lần, chúng tôi gởi đơn yêu cầu giải quyết đến Chi nhánh Công ty và các ngành chức năng thành phố, nhưng nhiều tháng nay, phần tiền BHXH còn lại của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết, trong khi gia đình gặp nhiều khó khăn...”. Đó là những bức xúc của 7 cá nhân nguyên là nhân viên Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền có trụ sở ở đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Sự thật như thế nào?

Mỏi mòn chờ giải quyết chế độ khi thôi việc

Các cá nhân nêu trên là các anh, chị Đỗ Hoàng Gia (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) , Võ Thị Ngọc Bích (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), Trần Ngọc Thanh, Đinh Văn Hải, (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), Nguyễn Văn Hóa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), Huỳnh Hồng Tươi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), Nguyễn Ngọc Thơ (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Họ là nhân viên Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền, có thời gian làm việc từ 1 đến 3 năm. Công việc phụ trách là tài xế lái xe taxi, nhân viên văn phòng, trực tổng đài... Trong suốt thời gian làm việc, các cá nhân trên đều được trích lương hàng tháng để công ty mua BHXH. Đồng thời, công ty còn trích 10% lương hàng tháng của nhân viên để ký quỹ. Đây là loại quỹ do Chi nhánh công ty giữ và sẽ chi dùng khi nhân viên gặp sự cố như gây tai nạn giao thông, hư hại tài sản công ty...

Nhân viên Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền đến Báo Cần Thơ bức xúc trình bày về các khoản tiền đóng BHXH, tiền ký quỹ không được công ty hoàn trả. 

Theo anh Đỗ Hoàng Gia, nguyên là nhân viên Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền, năm 2005, anh bắt đầu vào làm việc tại công ty, phụ trách lái xe taxi. Trong khoảng thời gian làm việc, anh Gia đóng đầy đủ các khoản tiền nêu trên. Anh Đỗ Hoàng Gia cho biết: “Trong suốt thời gian công tác tại Chi nhánh, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không vi phạm nội qui của công ty. Giữa năm 2008, tôi nghỉ việc tại Chi nhánh, chỉ được hoàn trả tiền ký quỹ, còn chế độ BHXH không có. Nguyên nhân, do công ty không mua BHXH cho tôi và những anh em đồng nghiệp khác, trong khi đó hàng tháng công ty đều trích lương của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu công ty hoàn trả lại tiền BHXH nhưng công ty không trả và cứ hẹn lần hẹn lựa. Trong khi gia đình chúng tôi gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được việc làm mới. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng can thiệp để Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền sớm hoàn trả phần tiền còn lại”.

Chị Huỳnh Hồng Tươi, nguyên là nhân viên văn phòng Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền, cho biết: “Tôi làm việc tại công ty được hơn 1 năm. Công ty buộc chúng tôi nộp tiền ký quỹ hàng tháng, đóng tiền mua BHXH. Từ khoản tiền BHXH, công ty có trách nhiệm liên hệ với đơn vị cấp sổ BHXH để mua bảo hiểm cho nhân viên. Nhưng khi tôi nghỉ việc không nhận được tiền hoàn trả từ ký quỹ và cũng không nhận được sổ BHXH và chế độ trợ cấp thôi việc. Tôi đã nhiều lần liên hệ với công ty, người đại diện công ty hẹn hoàn trả lại số tiền này. Nhưng, đến nay đã hơn 1 năm tôi vẫn chưa nhận được các khoản tiền trên. Rất mong ngành chức năng can thiệp để Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền sớm hoàn trả các khoản tiền nêu trên cho chúng tôi. Vì đó là tiền do công sức, mồ hôi của chúng tôi tạo nên”.

Theo các nhân viên nêu trên, ngoài khoản tiền ký quỹ do công ty qui định, hàng tháng nhân viên đều đóng khoản tiền cho công ty để mua BHXH, nhưng công ty không mua mà giữ lại khoản tiền này của nhân viên để thực hiện mục đích khác. Đến khi các nhân viên nghỉ việc thì mới phát hiện ra sự việc và không nhận được khoản hỗ trợ nào về chế độ BHXH.

Bao giờ giải quyết?

Theo trình bày của các nhân viên nêu trên, khi vào làm việc đều được Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền ký kết hợp đồng lao động. Trong hợp đồng lao động, ở điều 3 nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động về BHXH và bảo hiểm y tế thể hiện rất rõ, trong đó Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền chịu 17%/ mức lương căn bản và người lao động chịu 6%/ mức lương căn bản để đóng BHXH và bảo hiểm y tế (20% đóng cho cơ quan BHXH, 3% đóng cho cơ quan bảo hiểm y tế). Cụ thể, trường hợp của anh Đỗ Hoàng Gia, trong khoảng thời gian làm việc tại Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền (năm 2005 đến tháng 6-2008), anh đã đóng tiền BHXH trên 800.000 đồng; Đinh Văn Hải có thời gian công tác từ tháng 10-2005 đến tháng 10-2008 và đóng BHXH gần 1 triệu đồng... Riêng về tiền ký quỹ, Trần Ngọc Thanh đóng tiền ký quỹ gần 2,8 triệu đồng; Huỳnh Hồng Tươi đóng tiền ký quỹ trên 1 triệu đồng... Thế nhưng, hiện nay các nhân viên này đã nghỉ việc hơn 1 năm nhưng công ty không giải quyết quyền lợi cho họ. Thậm chí, các nhân viên trên yêu cầu Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền trả lại khoản tiền mà trước đây họ đã đóng BHXH, tiền ký quỹ, nhưng công ty cũng chưa giải quyết.

Bà Đỗ Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, cho biết: “Theo qui định, đối với người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì ghi tỷ lệ % tiền lương hàng tháng hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) phải trích nộp cho cơ quan BHXH. Đối với người lao động không đóng BHXH bắt buộc thì khoản tiền BHXH tính thêm vào tiền lương để người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện hoặc tự do lấy bảo hiểm. Trường hợp này, BHXH của nhân viên Công ty CP Tuấn Hiền đã được thể hiện rõ trong hợp đồng lao động. Do đó, công ty có trách nhiệm đóng BHXH cho nhân viên. Trường hợp chưa đóng BHXH cho nhân viên thì công ty phải xem xét lại và tự thỏa thuận, giải quyết vấn đề này”.

Khoản 36, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, ngày 2-4-2002, nêu rõ: Loại hình BHXH bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng BHXH theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật Lao động và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp BHXH ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản...

Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng thì các khoản BHXH được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả theo quy định của Chính phủ, để người lao động tham gia BHXH theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm. Khi hết hạn hợp đồng lao động mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, thì áp dụng chế độ BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Kim Hà Liên, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền, cho biết: “Công ty chưa đóng được BHXH cho nhân viên là do nhân viên của công ty thường xuyên biến động, lao động không ổn định nên khó khăn trong việc đóng BHXH. Công ty sẽ hoàn trả lại phần tiền BHXH mà trước đây nhân viên đã đóng cho công ty. Riêng, về tiền ký quỹ chúng tôi sẽ hoàn trả lại cho nhân viên đã nghỉ việc, nhưng phải xem xét lại. Nếu nhân viên làm hư hại tài sản của công ty thì sẽ bị trừ tiền ký quỹ này”. Với lý do này, Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền đã làm cho nhiều nhân viên phải chịu nhiều thiệt thòi do không có BHXH và khi thôi việc họ cũng không nhận được chế độ hỗ trợ từ BHXH. Việc giữ tiền ký quỹ của nhân viên khi nghỉ việc hơn 1 năm mà chưa hoàn trả lại cũng là một hình thức chiếm dụng vốn. Vì theo qui định, sau khi nhân viên nghỉ việc phải thanh toán, hoàn trả số tiền này.

Mua BHXH cho nhân viên là trách nhiệm của Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền, đồng thời, trong suốt thời gian làm việc các nhân viên trên đã đóng đầy đủ tiền BHXH cho công ty. Việc Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền không mua BHXH cho nhân viên là vi phạm pháp luật và không thực hiện đúng theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký. Thiết nghĩ, ngành chức năng thành phố cần sớm can thiệp để Chi nhánh Công ty CP Tuấn Hiền sớm giải quyết các chế độ cho người lao động, để người lao động không tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết