19/01/2018 - 13:48

Vén mây ghé thăm làng trình tường 

Xuyên qua những đám mây bềnh bồng trên non cao, ngôi làng nhà trình tường của người Hà Nhì ở Lào Cai trong trẻo hiện ra như những cây nấm quấn quýt nhau ở phía thung lũng. Khung nhà bằng đất, mái lợp lá cỏ vẫn bền bỉ với thời gian từ bao đời nay, đến những kiến trúc sư tài giỏi phải nể phục!

Trẻ em Hà Nhì dù gái hay trai đều có đôi má trắng hồng rất dễ thương. Ảnh: DU MIÊN

Trẻ em Hà Nhì dù gái hay trai đều có đôi má trắng hồng rất dễ thương. Ảnh: DU MIÊN

Từ nhà ga xe lửa Lào Cai, chúng tôi ngược tuyến đường 158 ven dòng sông Hồng dọc biên giới Việt- Trung để lên huyện Bát Xát, nơi có nhiều đồng bào Hà Nhì sinh sống. Ở đây, địa hình đồi núi phức tạp, chúng tôi phải di chuyển ngoằn ngoèo trên những con đường uốn lượn giữa muôn trùng đèo dốc. Thầm nể phục những người chọn chốn này dừng chân và xây dựng nhà cửa, sinh sống. Cứ bước chân ra khỏi nhà là chạm vào những con dốc. Trong bản, dốc ít và ngắn. Rời khỏi bản là dốc cao. Muốn đi xa hơn, phải vượt núi này sang núi kia. Gập ghềnh đá núi, quanh co đường đèo gần cả ngày đường mới xuống được phố. Thế nhưng, cả đời người trong bản, chẳng mấy người xuống phố. Xa lắm là tới chợ phiên. Thường ngày thì người Hà Nhì từ nhà lên núi làm rẫy, hái lá, đào củ… làm kế sinh nhai.

Qua hết những con đường đèo dốc, chúng tôi dừng tại ở chợ phiên Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Xung quanh trung tâm xã gần như mây bao phủ dù chưa tới ba giờ chiều. Mọi người như chùn xuống bởi vẻ tịch liêu. Chợ phiên ngày thường chỉ là bãi đất trống buồn tẻ. Gần nhà lồng chợ là những hộ kinh doanh của người Kinh, người Dao bán hàng cho khách địa phương nhưng giao dịch khá thưa thớt. Tập tục bao đời nay của người vùng cao, mỗi tuần mới nhóm chợ một lần, thường rơi vào thứ bảy hoặc Chủ nhật trừ “chợ sừng” có bán trâu, bò… Bỗng tia nắng ở gần ngọn núi phía Tây lóe lên, chiếu một vệt dài xuống ruộng lúa. Rồi mở rộng dần lớn lên tạo một vùng ánh sáng ngoạn mục đầy kỳ bí. Như thể bao ngày không nhìn thấy mặt trời, mọi người ồ lên. Vạt nắng như những đứa trẻ nô đùa tung tăng trên những bậc thang ruộng lúa dưới thung lũng, mỗi lúc một đông. Nắng ấm xua tan mây mù. Bản Lao Chải dần hiện ra trước mắt sau bức màn mây được kéo qua một bên. Những ngôi nhà hình nấm quấn quýt, chen chúc, chở che cho nhau. Bao quanh là non cao, rừng cây và ruộng lúa. Nắng cứ lan rộng và xua mây đi. Cả một vùng núi non hiện ra bao quanh như một dãy trường thành khổng lồ. Một vài con thác đổ thẳng xuống vách núi cao đầy ngoạn mục. Người Hà Nhì và các dân tộc bản địa quả là phóng khoáng khi chọn vùng đất vô cùng xinh đẹp này để định canh, định cư.

Người già Hà Nhì rất thân thiện. Ảnh: DU MIÊN

Người già Hà Nhì rất thân thiện. Ảnh: DU MIÊN

Đoàn chúng tôi nhanh chóng xuống bản, chỉ mất khoảng năm phút đi xe máy trên những con đường bê tông đổ theo chiều xuống. Có nắng, người già, em bé, đàn bà, đàn ông từ những bức tường vàng đổ ra sân sưởi ấm. Người lớn trò chuyện vui vẻ trong khói thuốc bay lên. Trẻ con vui đùa cùng tiếng chim ríu rít. Bản Lao Chải yên bình như thể người ta không phải lo chuyện cơm áo, giàu nghèo. Trông ai nấy đều hồn nhiên. Họ vẫy tay chào những người khách lạ. Ngồi xuống với chủ nhà trước thềm nhà nắng ấm, chúng tôi được hỏi han đủ điều. Nhiều người không nói được tiếng Kinh, nói một tràng ngôn ngữ Hà Nhì nghe vui tai rồi cả chủ và khách đều phì cười vì chẳng ai hiểu ai. May thay, có một anh hàng xóm tình nguyện làm phiên dịch viên để bắt nhịp câu chuyện giữa khách miền xuôi và người miền núi.

Chủ nhà tận tình mời chúng tôi vào tận bếp, leo lên gác và nhà kho để khám phá. Qua bậc cửa cao với bức tường dày hơn bốn tấc là gặp bức tường đất ngăn gian phòng khách với phòng ngủ của gia chủ. Qua cánh cửa của vách ngăn là chỗ ở của chủ nhà, cùng với cái bếp đặt sát bên giường ngủ. Bên trên bếp là giàn treo để chứa thực phẩm từ thịt và nông sản lâu ngày. Bếp lửa của người Hà Nhì và phần đông đồng bào vùng cao, gắn bó với cuộc sống hằng ngày, luôn được giữ ở nơi gần gũi nhất của gia chủ, vừa có chức năng giữ ấm cho gia đình vào mùa đông. Tầng gác phía trên phòng khách là nơi để nông cụ và nông sản, chủ yếu là bắp và lúa. Người ta sản xuất bao nhiêu thì giữ lại hết và dùng đều trong năm. Phần nào thừa mới bán. Kể cả nông sản và chăn nuôi. Vì thế, đời sống cơ bản của người dân là đảm bảo đủ ăn, đủ mặc quanh năm. Dường như họ chẳng quan tâm lắm đến việc tích lũy để có dư hay làm giàu. Có lẽ, bởi một phần do lối sống phóng khoáng và nương tựa vào thiên nhiên. Quan trọng là họ hài lòng với cuộc sống và không mưu cầu gì cao xa. Chuỗi ngày sống là những ngày lao động và tận hưởng những gì thiên nhiên mang lại, có được xung quanh nhà.

Thật sự, nhìn tổng thể bản làng, chẳng khác gì một khu resort gần gũi, hài hòa với thiên nhiên mà chỉ có người nhiều tiền mới chi trả được. Mỗi căn nhà nấm có tầm nhìn hướng ra ruộng bậc thang xanh mướt, xa xa là những ngọn núi vờn mây. Cứ mỗi góc nhìn là một khung cảnh hung vĩ của thiên nhiên xanh mát. Thật đáng sống mà không phải suy nghĩ nhiều giữa chốn này!

DU MIÊN

Chia sẻ bài viết