04/05/2020 - 08:20

Về thăm “Lữ đoàn thép” 

Lữ đoàn 162, Vùng 4 được giao quản lý, khai thác một lượng lớn tàu thuyền, vũ khí trang bị mới, hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã tích cực huấn luyện làm chủ, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, sử dụng thuần thục vũ khí, trang bị, khí tài, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ ngày thành lập đến nay, đơn vị luôn xứng đáng là “Lữ đoàn thép” của Quân chủng Hải quân.

Làm chủ trang bị hiện đại

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đến nay, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn được các loại tàu chiến đấu có trong biên chế. Lữ đoàn 162 đạt được nhiều thành tích như được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, đạt danh hiệu “Đơn vị thực hiện công tác đảng, công tác chính trị tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng” và “Lữ đoàn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng”...

Giờ huấn luyện ở Trung tâm chỉ huy chiến đấu Tàu 016, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân

Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn cho biết: “Lữ đoàn luôn xác định tốt trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận, huấn luyện, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới. Hằng năm, hằng tháng, từng cấp đều đề ra các chỉ tiêu, chủ trương, biện pháp cụ thể trong huấn luyện làm chủ trang bị mới. Đảng ủy Lữ đoàn phân công cho đảng ủy viên trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện ở từng dạng tàu”.

Việc làm chủ hoàn toàn VKTBKT mới ở Lữ đoàn 162 được khẳng định trong thực hành kiểm tra bắn đạn thật các bài súng, pháo định kỳ. Năm 2017, cuộc bắn tên lửa được tổ chức với quy mô toàn Quân chủng diễn ra, 3 tàu 012, 381 và 374 đã vinh dự tham gia sự kiện này. Khắc phục mọi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ các tàu đã bắn chính xác mục tiêu. Đây là minh chứng cụ thể, sinh động nhất cho việc làm chủ trang bị hiện đại của đơn vị.

Những ngày này trên Quân cảng Cam Ranh, các chiến hạm “khổng lồ” đang neo đậu tại cảng. Tia nắng sớm chiếu nhẹ xuống mặt biển cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ trên các tàu trong bộ quân phục dã chiến bước vào ôn luyện, kiểm tra khoa mục tại bến. Cờ Tổ quốc và cờ Hải quân phấp phới trước gió. Khẩu lệnh của chỉ huy tàu vang xa. Tất cả tạo nên khí thế thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối. Qua 1 tháng huấn luyện của Lữ đoàn, các khoa mục đều đạt khá và giỏi.

“Sứ giả hòa bình”

Những năm gần đây, các chiến hạm của Lữ đoàn 162 luôn đảm nhiệm tham gia các sự kiện đối ngoại quốc phòng quan trọng. Mỗi chuyến đi của mỗi tàu là hành trình của “sứ giả hòa bình” đại diện cho Quân chủng, Quân đội và đất nước Việt Nam giao lưu với bạn bè quốc tế. Năm 2019, các tàu của Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Biên đội Tàu 015-Trần Hưng Đạo và Tàu 011-Đinh Tiên Hoàng thăm và tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc. Tàu 016-Quang Trung tham gia diễn tập ADMM+ về an ninh hàng hải, Triển lãm quốc tế về hàng hải quốc phòng IMDEX 2019 tại Singapore; thăm xã giao Liên bang Nga, tham dự duyệt binh tàu nhân kỷ niệm 323 năm Ngày truyền thống Hải quân Nga tại TP. Vladivostok.

Tàu 016-Quang Trung dự duyệt binh tàu tại TP.Vladivostok, Liên bang Nga

Chuyến đi đến nước Nga của Tàu 016 đã ghi dấu ấn lần đầu tiên tàu Hải quân Việt Nam đến xứ bạch dương, gắn kết tình hữu nghị Việt-Nga bền chặt. Trong khoảng thời gian ngắn, một chuỗi hoạt động thăm, giao lưu văn hóa, văn nghệ và ẩm thực đã trở thành cầu nối về tình cảm giữa nhân dân và thủy thủ hai nước… Hình ảnh các thủy thủ Hải quân Việt Nam vượt hơn 4.600 hải lý, tự tin trong hoạt động quốc tế đã để lại tình cảm tốt đẹp trên đất nước bạn. Đô đốc Sergei Iosifovich Avakyants, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga khẳng định: Chuyến thăm của Tàu 016 đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa quân đội và hải quân hai nước, tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga ngày càng phát triển.

Con tàu ngoại ngữ

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để làm chủ VKTBKT hiện đại, Lữ đoàn 162 đã triển khai mô hình “Con tàu ngoại ngữ 162”. Mô hình này được phát triển từ câu lạc bộ ngoại ngữ của đơn vị được thành lập cách đây 8 năm. Lúc đó, toàn đơn vị chỉ có gần 20 người được cấp chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Nga; hơn 30 người có thể biên dịch tài liệu từ VKTBKT của Nga. Đến nay, Lữ đoàn phát triển thành mô hình “Con tàu ngoại ngữ 162” hướng vào thực hiện “1 biết, 6 cần, 2 ứng dụng”. (1 biết là biết ít nhất 1 ngôn ngữ  (Nga, Anh, Trung...). 6 cần là tự giác, chịu khó, kiên trì, mạnh dạn, giao tiếp, học hỏi. 2 ứng dụng là ứng dụng trong khai thác, quản lý, sử dụng, làm chủ con tàu và VKTB; ứng dụng trong tuyên truyền biển, đảo và đối ngoại quốc phòng).

Thượng tá Nguyễn Trần Thanh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn, Bí thư Đoàn cơ sở, Trưởng ban chỉ đạo mô hình chia sẻ: Thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2017-2022, đến nay, Mô hình “Con tàu ngoại ngữ” ngày càng được nhân rộng và phát triển một cách tự giác. Mô hình đã khẳng định được vai trò, sức hút đối với cán bộ, đoàn viên thanh niên trong toàn Lữ đoàn, nhất là sĩ quan trẻ.

Mô hình đã nâng số người có trình độ tiếng Anh, Nga giao tiếp và biên dịch tài liệu lên đến hàng trăm; đào tạo được hơn 600 lượt học viên có vốn kiến thức căn bản và tạo thành “làn sóng” đam mê ngoại ngữ trong toàn đơn vị.

Môi trường huấn luyện và rèn luyện ở “Lữ đoàn thép” đã tôi luyện những người lính biển luôn vững chắc tay súng trong thực hiện nhiệm vụ. Cũng chính từ đây đã và đang cung cấp nguồn cán bộ có chất lượng để xây dựng “Hải quân biển xanh” vươn mình ra đại dương thế giới.

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết