31/01/2013 - 19:18

Về miền Tây ăn Tết sớm

Miền Tây hiện đang "sốt" với những chuyến đi chơi trước Tết xả stress của nhiều người. Những làng nghề truyền thống là lựa chọn đầu tiên bởi không khí Tết dường như đến sớm hơn ở những nơi này. Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ hai diễn ra ở TP Cần Thơ rơi đúng vào cuối tuần này hứa hẹn là sự kiện hấp dẫn…

 

 Làng hoa Sa Đéc là một trong những điểm đến hấp dẫn vào mùa này.

Đi chơi trước Tết là dịp để bạn bè bù khú với nhau trước khi nghỉ Tết, ai về nhà nấy. Đây cũng là dịp để xả stress sau những ngày cuối năm đầy bận rộn với công việc, sổ sách. Một chuyến đi về nông thôn, đến với các làng nghề thật sự là chuyến đi có ý nghĩa đối với người trẻ ở thành thị để họ có dịp trải nghiệm, bổ sung thêm kiến thức đời sống.

Nếu như khu vực phía Bắc đang là điểm đến hấp dẫn với những cung đường đẹp mùa đông, với cái lạnh tê tái thì miền Tây lại hấp dẫn bởi những làng nghề rộn rịp vào xuân. Trên các diễn đàn của cộng đồng mạng, các bạn trẻ rủ nhau về miền Tây ăn Tết sớm. Không khí Tết đã đến với các làng nghề suốt hơn một tháng nay. Đây cũng là thời gian cao điểm của các hoạt động sản xuất, mua bán.

Làng hoa Tết ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), Hòn Đất (Kiên Giang), Bà Bộ (TP Cần Thơ)… luôn là điểm đến ưa thích và nằm trong tốp đầu lựa chọn của du khách. Nhộn nhịp nhất và được quan tâm, nhắc đến nhiều nhất có lẽ là làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng lâu nay với diện tích trồng hoa rộng, nhiều chủng loại phong phú, từ cúc, hồng, vạn thọ, thược dược, lan, cau bình rượu… đến ớt kiểng, khế, si, mai. Làng hoa những ngày này đang được bà con nông dân hối hả chăm bón, cắt tỉa để cung cấp cho thị trường ĐBSCL, TP HCM và kể cả "xuất ngoại" qua Campuchia, Trung Quốc. Làng hoa kiểng Chợ Lách – Bến Tre cũng đang là một điểm đến nổi tiếng. Bởi hoa, kiểng ở đây rất đẹp và rất lạ mắt với nhiều kiểu, nhiều loại, nhiều hình dạng khác nhau. Nhiều loại thú kiểng được tạo dáng, uốn từ những cây mai giảo Tân Châu, Mai giảo Cái Mơn, mai Phú Quý, quất, xương rồng, thanh long … Đến những làng hoa cũng là dịp để bạn sở hữu những loại hoa, kiểng mà mình yêu thích.

 

Nghệ nhân trình diễn tráng bánh tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần đầu tiên tổ chức tại Cần Thơ vào năm 2012.

Nếu như những làng hoa thu hút du khách bởi sắc màu hoa Tết thì làng nghề làm bánh lại có sự hấp dẫn khác. Những làng nghề truyền thống ở nông thôn luôn cuốn hút du khách bởi những nét riêng độc đáo. Làng nghề bánh phồng nếp, khô cá lóc ở Phú Tân, xôi phồng ở Chợ Mới (An Giang) hay nghề làng chả ở Trà Vinh… lần lượt nằm trong danh sách cập nhật thường xuyên của du khách. Mùa Tết, những làng nghề tấp nập hơn. Công nhân phải tăng ca, làm thêm ban đêm để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết. Đến để tìm hiểu về nghề và thưởng thức những thứ đặc sản này, chuyến đi thêm ấn tượng và thú vị.

Đặc biệt, đường đi đến những làng nghề ở miền Tây mang nét đặc trưng của miền sông nước, rất hấp dẫn du khách. Gần các làng nghề luôn có những điểm du lịch nổi tiếng. Vì vậy, những chuyến đi này luôn là những chuyến đi "2 trong 1" bởi du khách vừa được trải nghiệm những cung đường nông thôn của miền Tây sông nước vừa thưởng thức được không khí sinh động của các làng nghề. Gần Tết, trên nhiều tuyến đường về các làng nghề, sẽ thấy những đoàn người đi ô tô, xe máy dừng lại để chụp hình cảnh đẹp, cảnh sinh hoạt đời thường của nông dân.

Nắm bắt được nhu cầu của du khách, Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ đã tổ chức lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ hai - để phục vụ người dân thành phố và du khách trong suốt 3 ngày (từ ngày 2 đến 4-2-2013). Tham gia lễ hội này, du khách không cần phải di chuyển đến nhiều nơi để thưởng thức không khí làng nghề mà chỉ cần đến khuôn viên khu vực ẩm thực Hoa Sứ sân vườn – Du lịch quán, khu vực cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Với trên 100 món bánh các loại, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ như một bữa tiệc buffet bánh phục vụ du khách. Không chỉ thưởng thức bánh ngon, khách đến lễ hội bánh lần này còn được xem các nghệ nhân trình diễn làm bánh hay tự tay mình làm những chiếc bánh dân dã qua sự chỉ dẫn của nghệ nhân…Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác như: trò chơi dân gian (đập niêu, gánh nước qua cầu khỉ); thi gói bánh tét; xay bột; sàng gạo…

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ là cơ hội hiếm có để du khách ăn Tết sớm ở miền Tây. Các khu du lịch lân cận cũng trở thành điểm đến sau điểm dừng chân ở lễ hội bánh dân gian.

Tết sớm ở miền Tây còn rất nhiều điểm để du khách lựa chọn, như: Du lịch mua sắm ở chợ biên giới An Giang kết hợp hành hương về miền núi, chùa chiền để cầu an cho năm mới; ghé thăm các vườn trái cây đặc sản ở Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang... Đặc biệt, vườn quít hồng Lai Vung Đồng Tháp hứa hẹn là chuyến đi chụp ảnh thú vị với loại trái cây đặc sản độc đáo đang "lên hương" vào mùa Tết này.

Bài, ảnh: Vĩnh Bảo

Chia sẻ bài viết