24/08/2014 - 09:08

Về Gò Công
viếng anh linh Trương Định

Tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 – 20/8/2014) tại thị xã Gò Công. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng, đặt vòng hoa và thắp hương bày tỏ lòng kính trọng Bình Tây đại nguyên soái.

Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, thị xã Gò Công. Ông Huỳnh Văn Xíu, 78 tuổi, phó ban tế tự, cho biết: Trương Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), là con quan Trương Cầm, Hữu Thủy vệ úy, Lãnh binh tỉnh Gia Định. Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam và cưới vợ là con gái một hào phú huyện Tân Hòa (Gò Công). Khi cha qua đời, Trương Định ở lại quê vợ. Năm 1854, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận, được phong chức Quản cơ đồn điền. Tháng 2-1859, quân Pháp đánh thành Gia Định, Trương Định đưa cơ binh gia nhập quân đội triều đình chống giặc, thường đi tiên phong lập nhiều chiến công. Một trong những chiến công nổi tiếng là phục kích giết chết tên đại úy Pháp Barbe. Tháng 2-1861, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Định đưa quân về đồn cũ Tân Hòa, chiêu mộ thêm quân sĩ tiếp tục đánh Pháp. Tháng 3-1862, nghĩa quân Trương Định tấn công tiêu diệt nhiều giặc Pháp, chiếm lại Gò Công. Ngày 5-6-1862, triều đình ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh Trương Định bãi binh, đi An Giang nhận chức lãnh binh. Trương Định khước từ, nhận danh hiệu Bình Tây đại nguyên soái do nhân dân phong, tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Pháp. Tháng 1-1863, Trương Định tập kích pháo hạm Alarme, tấn công nhiều đồn giặc và bẻ gãy cuộc tấn công quy mô của giặc Pháp vào Gò Công. Sau khi rút khỏi Tân Hòa, Trương Định lập căn cứ Lý Nhơn. Tháng 9-1863, Pháp tấn công Lý Nhơn, Trương Định phá vòng vây, về Gò Công lập căn cứ Đám lá tối trời, ven biển Gò Công. Ngày 20-8-1864, tên Huỳnh Công Tấn phản bội, chỉ điểm cho giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Trong cuộc chiến không cân sức, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, Trương Định dùng gươm tuẫn tiết, khi vừa tròn 44 tuổi.

Khu mộ và Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công.

Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, nhân dân Gò Công lập đền thờ ông tại Gò Công. Cổng đền thờ có cặp liễn đối ca tụng công đức cao vời của Trương công: "Nhật nguyệt chiếu đan tâm; Sơn hà thu chánh khí". Hai bên vách trong đền có treo bốn bảng đá hoa cương. Trong đó có lời tuyên bố hào hùng của Trương Định trước thư dụ hàng của thiếu tướng Pháp Bonard vào cuối năm 1862: "Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta". "Muốn trở lại y như thuở xưa, dân chúng ba tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa, chúng tôi không thể làm gì khác. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu và hướng đông cũng như hướng tây, chúng tôi chống đối và chiến đấu. Chúng tôi sẽ đánh ngã giặc cướp…" (Trích thư Trương Định gởi các quan ở Vĩnh Long tuyên bố ly khai Nam triều, tháng 2-1863). "Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng. Khi ta thiếu tất cả ta sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta…" (Tuyên bố của Trương Định nhân danh toàn thể dân chúng Gò Công gởi cho giặc Pháp sau khi Gò Công thất thủ lần thứ hai, tháng 2-1863). "Lòng dân đã muốn ta lên làm nguyên nhung ba tỉnh, ta trông vào lòng dân yêu thương không phai lạt của mọi người đối với ta. Thế là xong bất dung tha giặc cướp…", (Hịch Trương Định, tháng 8-1864). Trong khuôn viên Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định rộng khoảng 3 công đất có lăng mộ của ông cùng một cổng tam quan xưa cũ, ghi: "Mộ anh hùng Trương Định", với hai câu liễn ca ngợi công đức của ông: "Trái chúa thuận lòng dân sự nghiệp sáng choang cờ đại soái; Quên thân trừ giặc nước cơ đồ hồng thắm chí Trương công".

Đền và mộ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa vào ngày 6-12-1989. Trong đền thờ có quyển sách gỗ độc bản "Tiểu sử Trương Định" viết bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Tại quảng trường trung tâm thị xã Gò Công còn có tượng đài Trương Định. Cả ba được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục. Gò Công còn có Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định tọa lạc tại Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), cách thị xã Gò Công 12km. Đền được nhân dân lập bằng tre lá sau khi Trương Định tuẫn tiết, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2004. Cổng đền có hai câu đối: "Gò Công Trương chánh khí; Gia Thuận Định trung cang". Trong khuôn viên trước đền có tượng bán thân Trương Định do Tạp chí Xưa & Nay trao tặng vào năm 2009. Bức tượng nầy do điêu khắc gia Lâm Quang Nới phác thảo dựa vào tư liệu ký họa do Pháp để lại, các nghệ nhân đúc đồng Huế thực hiện khâu kỹ thuật. Nhân kỷ niệm 150 năm lễ giỗ Trương Định, tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ hội trọng thể trong ba ngày (18, 19 và 20-8-2014) tại 2 Đền thờ Trương Định (thị xã Gò Công) và Gia Thuận (Gò Công Đông). Đêm chánh lễ, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang biểu diễn vở cải lương "Cờ nghĩa giồng Sơn Quy" của soạn giả Huỳnh Anh, ca ngợi cuộc chiến đấu oai hùng của Bình Tây đại nguyên soái.

Đền thờ Trương Định ở Gia Thuận được xem là nơi ông tuẫn tiết. Tuy nhiên nơi ông giữ vẹn hào khí Bình Tây đại nguyên soái là Ao Dinh (xã Tân Phước, Gò Công Đông), cách đền 1,4km. Và Đám lá tối trời, nơi ông rèn quân đánh Pháp cách đền thờ vài cây số. Ngày xưa cả khu vực nầy là rừng dừa nước. Bây giờ dừa nước ở Đám lá tối trời còn lại khoảng 60ha, là rừng phòng hộ.

Viếng anh linh Trương Định, càng thêm cảm khái hào khí bất khuất ngút trời của một anh hùng vì dân vì nước trân quý muôn đời.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết