Ở Đồng Tháp có một vườn ổi “siêu to khổng lồ”, trung bình mỗi trái nặng từ 1kg đến 1,5kg, trái nhỏ cũng phải hơn 800 gram. Chủ nhân của vườn ổi là lão nông Nguyễn Phước Thùy (ngụ ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Bước vào vườn ổi, ai cũng không khỏi ngạc nhiên vì độ “siêu to” của trái. Nhờ được chăm sóc kỹ nên vườn ổi xanh mướt, trái tròn đều và không sâu bệnh. Những gốc ổi với cành lá bé nhỏ nhưng lại lủng lẳng trái “khủng” nên người tham quan có cảm giác “thót tim” vì sợ gãy nhánh. Cảm giác bợ trái ổi từ trên nhánh nặng oằn cả tay rất thú vị. Chị Nguyễn Lệ Trinh, du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng, hào hứng: “Không tận mắt chứng kiến vườn ổi này có lẽ nhiều người khó tưởng tượng nổi. Mỗi trái đến 4-5 người ăn mà vẫn không hết. Thật thú vị”.
Những trái ổi siêu to trong vườn của ông Thùy.
Cũng như bao hộ nông dân khác trên quê hương của cây quýt hồng, vườn quýt hồng nhà ông Thùy trước kia tương đối rộng. Nhưng lâu năm, vườn quýt bị cỗi, suy kiệt và chết hàng loạt. Tình cờ khoảng năm 1999-2000, một người cháu của ông Thùy đi du học ở Mỹ mang về tặng ông một ít cây ổi giống và ông trồng sau vườn. “Cũng chẳng biết là giống ổi gì, chỉ nghe nói là lớn trái, mang về từ Mỹ nên gọi đại là ổi Mỹ vậy thôi”. Sau 1 năm chăm sóc, ổi ra lứa trái chiếng, lớn dần lên trong sự lạ lẫm của cả ông Thùy lẫn bà con xung quanh. Nhận thấy đây là giống ổi hiếm, năng suất cao lại tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên ông Thùy quyết định nhân rộng diện tích trồng.
Ông Thùy tự tay chiết nhánh ổi để nhân giống. Ðến nay, vườn ổi có gần 800 gốc trồng phủ khắp 1ha đất vườn đang cho trái rất sai, chất lượng tốt. Cũng như các giống ổi bản địa, theo ông Thùy, việc chăm sóc giống ổi “siêu to” này không khác là mấy. Ðể cây sinh trưởng tốt, ông trồng ổi cây cách cây, hàng cách hàng chừng 2,5m. Cây ổi sau khi trồng 6 tháng thì sẽ được cắt đọt để cây đâm tược, nhánh và cho trái. “Chỉ có cái khác là để cho giống ổi này cho trái thì phải cắt sát phần nhánh chứ không bấm đọt như cây ổi Ðài Loan. Cứ mỗi tháng cắt đọt 1 lần thì cây sẽ cho trái liên tục”, ông Thùy cho biết.
Ngoài ra, khi thu hoạch ổi thì thay vì cắt một đoạn phần cuống như thông thường thì cũng nên cắt đến phần nhánh để cây mau cho trái tiếp. Một điều thú vị mà ông Thùy đã thử nghiệm và đúc kết là lấy hạt ổi này để ươm làm cây giống thì cây sẽ cho trái nhỏ và tròn, nhiều hột, ít cơm chứ không được như trồng giống cây chiết. So với giống ổi Ðài Loan cây càng già trái sẽ càng nhỏ, năng suất thấp thì giống ổi này khi cây già vẫn cho chất lượng trái như bình thường. Ước tính, mỗi cây cho thu hoạch từ 100-130kg trái/năm.
Vườn ổi được ông Thùy trồng theo hướng hữu cơ sinh học nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc rải phân vô cơ cũng chỉ 2-3 lần mỗi năm vì nếu rải dày, cây sẽ không cho trái. Có lẽ nhờ đặc tính tự nhiên này mà trái ổi ăn có vị giòn, ngọt, rất lâu héo và thời gian để được khá lâu. Với giá bán 12.000 đồng/kg, vườn ổi của ông Thùy cho lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/năm. Du khách đến tham quan vườn cũng có thể mua về làm quà. Ngoài ra, ông còn kiếm thêm thu nhập mỗi năm trên 20 triệu đồng từ việc chiết bán cây giống.
Cơ duyên với giống ổi “siêu to” đã giúp ông Thùy có thu nhập ổn định và vươn lên khá giả. Ông cũng rất thịnh tình chia sẻ cây giống và bí quyết chăm sóc với bà con có nhu cầu.
Bài, ảnh: HUỲNH MAI